11:50 10/11/2008

Trung Quốc công bố “đại kế hoạch” kích thích kinh tế

Kiều Oanh

Trung Quốc vừa công bố một kế hoạch trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 586 tỷ USD, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc). Thị trường chứng khoán nước này đã sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây - Ảnh: Reuters.
Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc). Thị trường chứng khoán nước này đã sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây - Ảnh: Reuters.
Chính phủ Trung Quốc vừa công bố một kế hoạch trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 586 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nước này trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Đây là kế hoạch kích thích kinh tế lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, số tiền của kế hoạch kéo dài tới năm 2010 này tương đương với khoảng 1/5 GDP của Trung Quốc trong năm 2007. Trong đó, 100 tỷ Nhân dân tệ sẽ được sử dụng ngay trong quý 4/2008.

Số tiền trong gói kích thích kinh tế nói trên sẽ được sử dụng để phát triển các dự án nhà giá rẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thông, phát triển đường xá và sân bay.

Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế cho các công ty mua tài sản cố định, chẳng hạn máy móc, để kích thích đầu tư. Ước tính, việc cắt giảm thuế này sẽ giúp các công ty ở Trung Quốc giảm được khoản chi phí lên tới 120 tỷ Nhân dân tệ.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng thuế mua ngũ cốc và tăng trợ giá cho nông dân, cũng như trợ cấp cho các hộ gia đình thu nhập thấp ở thành thị. Bên cạnh đó, hạn ngạch cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng được xóa bỏ.

“Trong vòng hai tháng qua, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn biến mỗi ngày thêm căng thẳng. Trong việc mở rộng đầu tư, chúng ta cần nhanh chóng hơn và mạnh tay hơn”, tuyên bố của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết.

Tuyên bố này cũng khẳng định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải”.

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, để hỗ trợ tăng trưởng, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các ngành công nghiệp và đầu tư vào việc sản xuất các loại nguyên vật liệu thô ở nước ngoài, trong đó có năng lượng.

Hôm 8/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng cho rằng, thúc đẩy tiêu dùng trong nước là cách tốt nhất để Trung Quốc có thể giúp ngăn chặn kinh tế thế giới rơi vào một giai đoạn suy thoái kéo dài.

Động thái nói trên của Trung Quốc được coi là hành động thực hiện tuyên bố của nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang nổi lên (G-20), trong đó Trung Quốc là một thành viên, sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính các nền kinh tế thuộc nhóm này tại Sao Paulo, Brazil, cuối tuần vừa qua.

Tuyên bố của G-20 đã khẳng định, các nước này sẵn sàng thực hiện các hành động khẩn để giải cứu nền kinh tế thế giới khỏi sự thụt lùi tăng trưởng.

Hội nghị bộ trưởng tài chính G-20 nói trên là sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm này bàn về các giải pháp khắc phục thiệt hại do khủng hoảng tài chính gây ra sắp diễn ra tại Washington, Mỹ, vào ngày 15/11 tới đây.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Simon Johnson tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Boston, Mỹ, nguyên kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Nếu Trung Quốc sử dụng động thái này như một sáng kiến ngoại giao, đây sẽ là một bước tiến lớn tới những nỗ lực hợp tác chống khủng hoảng chặt chẽ hơn nữa”.

Kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế khác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… cũng đã công bố các kế hoạch kích thích kinh tế lớn nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Tuần trước, Tổng thống đắc cử của Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố sẽ đi tới một kế hoạch kích thích kinh tế mới cho nước này, ngay sau khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm sau, nếu như chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm George W. Bush không đạt được kế hoạch này.

Hôm qua, Đài Loan đã tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ tư trong vòng hai tháng trong bối cảnh xuất khẩu trong tháng 10 của vùng lãnh thổ này sụt giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đợt cắt giảm lãi suất toàn cầu vẫn đang diễn ra, với sự đi đầu của Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật Bản…

Kinh tế Trung Quốc hiện là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của kinh tế thế giới. Tính toán của IMF cho thấy, năm ngoái, nền kinh tế này chiếm 27% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào.

Sự đi xuống của kinh tế thế giới đã khiến xuất khẩu, lĩnh vực đầu tàu của kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, kéo theo sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế này sau 5 năm liên tục tăng trưởng ở mức trên 10%. Cùng với đó, hoạt động đầu tư cũng giảm sút, kéo theo những đợt sa thải nhân công lớn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh, với mức giảm 69% từ đầu năm tới nay của hàn thử biểu CSI. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, với tình hình này, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng 5,8% trong năm nay.

Trước khi kế hoạch kích thích kinh tế này được công bố, nhiều tổ chức dự báo cho rằng, GDP của Trung Quốc sẽ tăng nhiều nhất là 7,5% trong năm tới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, kế hoạch nói trên sẽ giúp GDP của Trung Quốc tăng thêm 2% trong năm tới.

Trước đây, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Trung Quốc cũng đã có một kế hoạch kích thích kinh tế, nhưng với quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với gói kích thích lần này.

(Theo Bloomberg, IHT)