Trung Quốc kêu gọi Mỹ dỡ thuế quan, "xây dựng thiện chí"
Trung Quốc kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có động thái “xây dựng thiện chí”, bao gồm dỡ bỏ thuế quan và các biện pháp trừng phạt
Trung Quốc kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có động thái "xây dựng thiện chí", bao gồm dỡ bỏ thuế quan và các biện pháp trừng phạt. Theo hãng tin Bloomberg, lời kêu gọi này cho thấy Bắc Kinh tiếp tục đẩy về phía Washington trách nhiệm cải thiện mối quan hệ song phương đã giảm xuống mức thấp.
Tại một diễn đàn ở Bắc Kinh sáng 22/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Trung-Mỹ nên nối lại các cơ chế đối thoại đã bị cắt đứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Washington nên rút lui khỏi một số chính sách của chính quyền trước. Ông Vương Nghị nhắc lại sự cần thiết phải loại bỏ "những thuế quan vô lý" và nhắc đến việc Mỹ hạn chế truyền thông và du học sinh Trung Quốc như một mối lo ngại khác.
"Trong điều kiện hiện nay, hai bên có thể bắt đầu từ những vấn đề dễ hơn, tích cực tương tác và xây dựng thiện chí", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. Ông cho rằng Bắc Kinh và Washington vẫn có thể "giải quyết những vấn đề lớn" cho thế giới.
"Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách một cách sớm nhất có thể", ông Vương Nghị nói.
Bài phát biểu trên được xem là bình luận cấp cao nhất của Trung Quốc về mối quan hệ với Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm trước dịp năm mới cổ truyền của Trung Quốc vào đầu tháng này.
Dù cả Washington và Bắc Kinh đều thể hiện muốn bình ổn mối quan hệ đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ của ông Trump, ông Biden đã phát tín hiệu có thể duy trì nhiều chính sách đối với Trung Quốc mà chính quyền trước theo đuổi. Từ trước khi lên cầm quyền, ông Biden đã chủ trương tập hợp đồng minh của Mỹ thành một mặt trận thống nhất nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm với ông Tập, ông Biden bày tỏ mối lo ngại về điều mà ông gọi là những hành vi kinh tế mang tính ép buộc và không bình đẳng của Trung Quốc, cũng như vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Về phần mình, ông Tập đề cập với nhà lãnh đạo Mỹ về việc Washigton không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời hối thúc Mỹ tái lập các cơ chế liên lạc để tránh xảy ra hiểu lầm và toan tính sai lầm.
Trong bài phát biểu ngày 22/2, ông Vương Nghị kêu gọi Mỹ giảm bớt sức ép về cấp visa cho du học sinh và các nhà báo Trung Quốc. Trước đó, vào đầu tháng, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đề cập tới vấn đề này. Giới phân tích cho rằng visa là một lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể đàm phán để sớm đạt tới một sự thương lượng nào đó.
Hồi tháng 1, điều phối viên của ông Biden về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, nói Mỹ có thể điều chỉnh chính sách visa đối với Trung Quốc để xây dựng niềm tin với Bắc Kinh.
Trao đổi với hãng tin CNBC vào hôm thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói Mỹ sẽ tiếp tục duy trì thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dưới thời ông Trump, nhưng sẽ đánh giá kỹ lưỡng để tìm ra hướng đi tiếp theo.
"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi giữ nguyên thuế quan mà chính quyền ông Trump đã áp dụng… và chúng tôi sẽ xem xét để xác định biện pháp phù hợp cho tới gian tới", bà Yellen nói, đồng thời cho biết Washington hy vọng Bắc Kinh tuân thủ đúng những cam kết về thương mại.
Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký với chính quyền ông Trump vào tháng 1/2020, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, trong năm ngoái, Trung Quốc chỉ đạt 58% mục tiêu cam kết về tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ.