07:25 22/01/2025

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam

Vũ Khuê

Năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 92,85% về lượng và chiếm 91,77% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 2,43 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với năm 2023...

Năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn và các sản phẩm từ sắn Việt Nam nhờ nhu cầu lớn, vị trí địa lý gần. Ảnh minh họa.
Năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn và các sản phẩm từ sắn Việt Nam nhờ nhu cầu lớn, vị trí địa lý gần. Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,62 triệu tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định năm 2024, mặc dù xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2023, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.

Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2024, xuất khẩu sắn đạt 647,84 nghìn tấn, trị giá 119,07 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 48,6% về trị giá so với năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu sắn năm 2024 ở mức 254 USD/tấn, giảm 9,7% so với năm 2023.

Về giá xuất khẩu, năm 2024, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm nhẹ so với năm 2023. Nguyên nhân do gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng bởi bão lụt nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc chậm khiến giá sắn xuất khẩu trong mấy tháng gần đây thường xuyên ở mức thấp. Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2024 đạt mức 440,4 USD/tấn, giảm 0,2% so với năm 2023.

Năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 92,85% về lượng và chiếm 91,77% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 2,43 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với năm 2023.

Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024 ở mức 435,3 USD/tấn, giảm 0,8% so với năm 2023.

Theo Cục xuất nhập khẩu, nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Nhìn chung, năm 2024 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tại các thị trường này, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp.

Bộ Công Thương nhận định năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn và các sản phẩm từ sắn Việt Nam nhờ nhu cầu lớn, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.

Để trợ lực ngành sắn, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia.

Do đó, để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc, Cục xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, khi hiện nhiều nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại Lào do giá của sắn và nhân công rẻ hơn.