17:26 20/02/2013

Truyền thông Trung Quốc: Tại sao không tiêu tiền trong nước?

An Huy

Người Trung Quốc đã chi 306 tỷ USD cho đồ hiệu trong năm 2012, 60% số tiền này được tiêu ở nước ngoài

Bên ngoài một cửa hiệu Cartier ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg.<br>
Bên ngoài một cửa hiệu Cartier ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg.<br>
Người tiêu dùng Trung Quốc đang trở thành đối tượng phê phán của truyền thông nhà nước vì lỡ “nghiện” ra nước ngoài sắm đồ hiệu giữa lúc nước này đang nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Theo tờ Wall Street Journal, đầu tuần này, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát đi một bản tin nhấn mạnh việc một số tiền lớn đã và đang được người dân nước này sử dụng để mua sắm hàng hiệu ở nước ngoài, né mức thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu vào nước này tăng thêm từ 30-50%. Bản tin này được phát không lâu sau khi một bài bình luận trên Tân Hoa Xã phê phán người tiêu dùng đồ hiệu Trung Quốc, cho rằng họ đang né tránh thuế nhập khẩu, trong khi thuế này mang lại lợi ích cho đất nước.

Bản tin trên CCTV cho biết, người Trung Quốc đã chi 306 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 49 tỷ USD, cho đồ hiệu trong năm 2012, chiếm 25% giá trị đồ hiệu được tiêu thụ trên toàn cầu. Trong đó, 60% số tiền này được tiêu ở nước ngoài.

“Nếu bạn có tiền để tiêu, tại sao không tiêu trong nước?”, bài bình luận của Tân Hoa Xã đặt câu hỏi. Bài viết cũng nhấn mạnh thêm rằng, cho dù giá đồ hiệu ở Trung Quốc cao hơn ở nước ngoài và việc người dân sắm đồ hiệu trong nước một phần sẽ làm lợi cho các nhà bán lẻ, nhưng hành động đó sẽ giúp tạo công ăn việc làm trong nước, đồng thời hỗ trợ cho các công ty hậu cần và thương mại của Trung Quốc.

Sự “lên án” của truyền thông nhà nước Trung Quốc đối với người tiêu dùng đồ hiệu của nước này diễn ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn khách du lịch Trung Quốc từ nước ngoài trở về với lỉnh kỉnh những túi xách chứa đầy “chiến lợi phẩm” là đồ hiệu sắm được trong các chuyến đi nghỉ nhân dịp năm mới âm lịch vừa qua. Kỳ nghỉ Tết là một trong những mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm ở Trung Quốc.

Theo dữ liệu của công ty dịch vụ mua sắm du lịch Global Blue, khách Trung Quốc chi khoảng 11.000 Euro (14.686 USD) mỗi người trong mỗi chuyến đi du lịch kết hợp mua sắm tới những nơi như châu Âu, Singapore và Hồng Kông.

Nhiều người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài ban đầu không có kế hoạch mua sắm cụ thể nào, khiến số tiền họ chi ở nước ngoài vượt quá số tiền tiêu trong nước. Một cuộc thăm dò tổ chức vào tháng 8 năm ngoái cho thấy, trong số 1.200 người Trung Quốc được hãng tư vấn KPMG đặt câu hỏi, có 51% cho biết họ mua đồng hồ ở Hồng Kông, Đài Loan hoặc Macau trong thời gian 12 tháng trước đó. Chỉ có 31% cho biết họ đã mua đồng hồ ở Trung Quốc đại lục trong cùng khoảng thời gian.

 “Cơn khát” sắm đồ hiệu ở nước ngoài của người Trung Quốc còn diễn ra giữa lúc nước này đang nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhằm góp phần tái cân bằng nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc thái quá vào đầu tư và xuất khẩu. Từ mấy năm trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực kích thích tiêu dùng trong nước nhằm khuyến khích người dân vốn thích tiết kiệm hơn là tiêu tiền của nước này chi tiêu nhiều hơn thông qua những chính sách như trợ giá cho các mặt hàng gia dụng.

Tuy nhiên, trái với các loại thiết bị gia đình như máy giặt, Trung Quốc duy trì mức thuế quan cao đối với hàng hiệu, dẫn tới sự chênh lệch lớn về giá đồ hiệu ở nước này và nước ngoài. Chẳng hạn, một chiếc túi Louis Vuitton dòng Speedy 30 có giá khoảng 6.100 Nhân dân tệ (964 USD) ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Trong khi chiếc túi này chỉ có giá khoảng 619 USD ở châu Âu.

Đó là lý do khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ra nước ngoài để sắm đồ hiệu. Theo Tân Hoa Xã, năm ngoái đã có tới gần 80 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, chủ yếu do động cơ mua sắm thúc đẩy.

Phản ứng trên các mạng xã hội, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ vẫn sẽ giữ quyết định ra nước ngoài mua sắm các sản phẩm cao cấp. “Các thứ ở đây quá đắt. Đương nhiên vì thế mà mọi người phải ra nước ngoài để mua”, một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Weibo.

Sự phê phán của CCTV và Tân Hoa Xã nhằm vào thói quen sắm đồ hiệu ở nước ngoài của người dân đã trở thành một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên Weibo vào tối hôm thứ  Ba vừa rồi, sau khi đã có hơn 370.000 bình luận được đưa ra trong 24 giờ đồng hồ trước đó.

Một cư dân mạng khác cho biết, việc khó tìm được những sản phẩm chất lượng tại Trung Quốc cũng là một lý do khiến nhiều người ra nước ngoài mua sắm. “Nếu một ngày nào đó chất lượng được cải thiện, mọi người sẽ chẳng ngại mua trong nước”, cư dân mạng này viết.

Những người khác thì thúc giục các nhà chức trách giảm thuế đánh vào hàng hiệu để đẩy mạnh doanh số của thị trường đồ hiệu trong nước.

Trong mấy năm qua đã có những cuộc bàn thảo nhằm giảm thuế nhập khẩu hàng hiệu vào Trung Quốc, nhưng các cuộc thảo luận này cho đến nay vẫn giống như một trận đấu bóng bàn bất tận giữa một bên là những cơ quan muốn thúc đẩy tiêu dùng nội địa và một bên là các quan chức muốn duy trì nguồn thu thuế. Những người muốn đánh thuế đồ hiệu cao cho rằng, việc giảm thuế sẽ giảm số tiền thuế thu được, khiến đất nước chịu thiệt.

Bài bình luận của Tân Hoa Xã cũng cho rằng, một phần lỗi trong việc người Trung Quốc thích sắm đồ hiệu ở nước ngoài nằm ở các công ty. Theo bài báo, người tiêu dùng Trung Quốc không có được tất cả những lựa chọn như ở các thị trường nước ngoài, chẳng hạn không có đủ ngay các phiên bản của chiếc điện thoại iPhone hay các mặt hàng điện tử khác.

Tân Hoa Xã nhận định, Chính phủ Trung Quốc cần có những thay đổi để ngăn hàng trăm tỷ USD chảy ra nước ngoài. “Thông qua những nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và thị trường, người tiêu dùng có thể sẽ trở lại với thị trường nội địa”, bài báo viết.