TS Vũ Tiến Lộc: Cơ hội để Việt Nam trở thành "cứ điểm" chuỗi cung ứng toàn cầu
Ổn định chính trị xã hội chính là lợi thế có thể giúp tăng cường, để Việt Nam trở thành cứ điểm cung ứng nguồn cho chuỗi cung ứng toàn cầu...
Những khó khăn mà Việt Nam phải đối diện khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra đã được giới chuyên môn bàn luận và phân tích trong suốt những ngày qua, liên quan đến giá cả hàng hoá toàn cầu gia tăng, áp lực lạm phát lên Việt Nam. Đầu tư Nga - Ukraine vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6. Mặc dù năm 2021, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ khoảng 7,8 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 1,2 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tuy nhiên, từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga và Ukraine đã có bước tiến mạnh mẽ với mức trung bình khoảng 30%.
Trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai quốc gia này.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, trao đổi tại toạ đàm: “Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 7/3, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh khó khăn, Việt Nam thậm chí còn cơ cơ hội kép.
Cụ thể, theo ông Lộc, khi phương Tây rời Nga, áp dụng các lệnh trừng phạt cấm hoạt động đầu tư thương mại tại Nga sẽ là cơ hội cho Việt Nam để tiến vào thị trường Nga. Nga có thể xoay trục hướng về châu Á và Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng của Nga. Trong ngắn hạn sẽ có khó khăn, nhưng dài hạn mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng cường quan hệ với Nga.
Thế giới vốn dĩ đã có nhiều biến động, từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, giờ đây là cả chiến tranh quân sự. Trong bối cảnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới buộc phải tái cấu trúc lại. Những "mắt xích" hiện nay nằm ở Nga, Ukraine hay ở nước có nguy cơ xung đột khu vực thì sẽ có sự chuyển dịch. Chuyển dịch về đầu tư, về thị trường. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế với các FTA thế hệ mới, song phương, đa phương, đặc biệt là sự ổn định chính trị xã hội.
"Phương Tây rút đi mở ra cơ hội hàng xuất nhập khẩu của chúng ta. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chọn Việt Nam như là điểm đến an toàn để đầu tư, như là nguồn cung ứng an toàn cho chuỗi cung ứng đó. Ổn định chính trị xã hội chính là lợi thế ta có thể tăng cường, thanh thủ biến Việt Nam thành cứ điểm cung ứng nguồn cho chuỗi cung ứng toàn cầu", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Mặt khác, khó khăn, tai hoạ cũng tạo sức ép, động lực để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, thay đổi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Dù vậy, theo ông Lộc, để khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn cũng như nắm bắt được cơ hội trong dài hạn, Việt Nam phải có chiến lược dài hạn xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu, khả năng tự chủ của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện quan trọng nhất là khả năng chống chịu, quản trị rủi ro. Đồng thời, mở rộng quan hệ quốc tế. Mọi chiến lược bắt đầu từ bây giờ phải tính trên tầm nhìn dài hạn.
Ông Lộc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt hơn chính sách giải pháp chương trình phục hồi kinh tế, phải tăng tốc, làm nhanh hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt phải tích hợp thêm các giải pháp để đối phó vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Các nguồn lực trong gói giải pháp phục hồi kinh tế có thể phải được sử dụng một cách linh hoạt. Chẳng hạn, nếu cuộc chiến giữa Nga - Ukraine phát sinh vấn đề mà ta thấy cần phải ưu tiên ngay thì có thể dành nguồn lực chuyển sang, khắc phục ngay hệ quả của cuộc xung đột thương mại. Cái này đang rất cấp bách.
Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine. Điều này giúp ta có niềm tin về sự ứng xử nhanh chóng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, chúng ta đã ngoại giao vaccine nhanh chóng thần tốc, thì giờ đây cũng có thể ứng xử thần tốc để hạn chế tác động tới kinh tế Việt Nam và tận dụng cơ hội.
"Với vai trò trung tâm, hiệp hội và doanh nghiệp cũng phải cùng chụm đầu và bàn về tình hình, tìm ra biện pháp, xem ngành nào bị tác động trực tiếp, làm việc với các thương vụ Nga - Ukraine, tập đoàn lớn để tìm ra giải pháp chủ động. Chúng ta có thể làm, chúng ta có kinh nghiệm rồi", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.