Tự doanh bán ròng 1.200 tỷ, chốt lời hàng loạt cổ phiếu sau một tuần mạnh tay bắt đáy
Bước sang tuần này, tự doanh bán ròng 1.200 tỷ đồng chủ yếu bán ra các mã đã mua mạnh tuần trước gồm HPG, VPB, MSN, FPT, VHC, DGC...
Nếu như tuần trước (18/4- 22/4) tổ chức trong nước gồm tự doanh mạnh tay giải ngân khi nhà đầu tư trong nước bán tháo thì ngược lại, trong tuần giao dịch vừa rồi tự doanh quay xe bán ròng, nhà đầu tư cá nhân lại gom.
Vn-Index kết thúc tháng 4 bằng một phiên xanh lét. Chỉ số hồi về 1.366 điểm tăng 15,8 điểm tương ứng với 1,17% so với phiên liền kề trước đó. Mặc dù vậy, tính chung tuần qua, chỉ số vẫn giảm 11 điểm tương ứng giảm 0,9%. Khác với dự báo và mong đợi của giới phân tích, Vn30 lại có mức hồi phục yếu nhất so với VnSmall và VnMid.
Thanh khoản là vấn đề nan giải nhất trong tuần. Nếu so với tuần giao dịch trước đó, thanh khoản đã sụt giảm gần 10.000 tỷ đồng trên toàn ba sàn từ 25.000 tỷ đồng tuần giao dịch trước đó xuống còn 15.000 tỷ đồng tuần giao dịch vừa qua. Trong đó, Vn30 giảm hơn 1.000 tỷ đồng, VnMid giảm ác liệt nhất 3.400 tỷ đồng còn VnSmall giảm 2.000 tỷ đồng.
Thanh khoản giảm đã được đề cập trong những bài phân tích trước đó. Thứ nhất, cung giá thấp không còn lớn, cạn cung, cầu thận trọng dẫn đến thanh khoản thấp. Thứ hai, thị trường đang cận một kỳ nghỉ lễ dài, nhiều nhà đầu tư thận trọng không cố giao dịch để tránh rủi ro thông tin.
Về giao dịch giữa các nhóm nhà đầu tư, tuần giao dịch vừa rồi, tự doanh quay xe bán ròng sau khi chi tiền bắt đáy gần 2.700 tỷ đồng. Cụ thể, tuần liền kề trước đó, nhóm này mua 2.700 tỷ đồng chủ yếu tập trung ở MSN, MWG, FPT, PNJ, MBB, HPG, VHC, DGC. Bước sang tuần này, tự doanh bán ròng 1.200 tỷ đồng chủ yếu bán ra các mã đã mua mạnh tuần trước gồm HPG, VPB, MSN, FPT, VHC, DGC.
Ở chiều ngược lại, tự doanh gom mạnh KDH, OCB, MWG, PAN, DXG, REE, BWE, DHC.
Tương tự, khối ngoại cũng bán ròng 2 phiên và mua rất ít trong cuối tuần sau thời gian chi 2.700 tỷ đồng bắt đáy vào tuần trước đó. Cụ thể, nhóm này bán ròng 203 tỷ đồng phiên 27/4 và 307 tỷ đồng phiên 28/4. Tuy vậy, tính chung tuần qua, nhóm này vẫn mua ròng 800 tỷ đồng, xu hướng bán ròng đã giảm đáng kể.
Các mã được khối ngoại tập trung gom ròng gồm NLG, SBT, MSN, VCB, DGC. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng VHM, DXG, KBC, NVL, VIC.
Liên quan đến giao dịch tự doanh, trong diễn biến thị trường đi lên tự doanh không phải là vấn đề hóc búa nhưng một khi thị trường lao dốc, đây là nhóm bị nhắc nhiều nhất bởi các nhà đầu tư cá nhân. Hầu hết đều chung một ý kiến rằng, phải dẹp bỏ hoặc không cho các công ty chứng khoán hoạt động tự doanh khi mà công ty này vừa sở hữu mạng lưới phân tích môi giới "hô hào" khuyến nghị nhà đầu tư, lại vừa đầu tư chứng khoán. Rõ ràng không thể không nghi vấn về xung đột lợi ích giữa các bên.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích giữa công ty chứng khoán và khách hàng.
Do vậy, để ngăn ngừa, Luật Chứng khoán (Điều 89) và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động CTCK) đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty chứng khoán (Điều 4, 13, 22) theo đó, công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo các công ty chứng khoán hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.