14:38 07/04/2023

Từ ngày 11/4, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEA vào diện bị cảnh báo

Hà Anh

Hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEA trên sàn UPCoM sẽ bị vào diện cảnh báo trên UPCoM do báo cáo tài chính năm của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.

Sơ đồ giá cổ phiếu VEA thời gian qua trên HNX.
Sơ đồ giá cổ phiếu VEA thời gian qua trên HNX.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo cổ phiếu VEA của Tổng CTCP Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM vào diện chứng khoán bị cảnh báo, kể từ ngày 11/4/2023.

Theo đó, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEA trên sàn UPCoM sẽ bị vào diện cảnh báo trên UPCoM do báo cáo tài chính năm của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.

Theo BCTC năm 2022 đã kiểm toán, VEA ghi nhận lãi sau thuế đạt 7.665 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ (5.792 tỷ đồng). VEA cho biết lợi nhuận tăng là do lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 35% tương ứng 1.873 tỷ đồng.

Đồng thời, cũng tại BCTC kiểm toán 2022, đơn vị kiểm toán cho biết công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá của Ban Tổng Giám đốc liên quan đến khả năng thu hồi các khoản trên cũng như xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng khoản phải thu này trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luận chuyển; một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý.

Liên quan đến vấn đề này VEA cho biết tại ngày 31/12/2022, Tổng Công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị 166.081.816.385 đồng (bao gồm các khoản phải thu về gốc và lãi hỗ trợ vốn là 121.192.143.608 đồng), tại ngày 01/01/2022 là 165.547.038.758 đồng (bao gồm các khoản phải thu về gốc và lãi hỗ trợ vốn là 122.595.971.370 đồng)...".

Theo VEA, các khoản phải thu này là khoản hỗ trợ vốn phát sinh từ nhiều năm trước đây (hỗ trợ cho công ty liên kết của VEAM) tại Công ty mẹ và phải thu tại một số Công ty con. Trong đó: Công ty cổ phần Matexim Hải Phòng nợ gốc 84.000.000.000 đồng, nợ lãi 32.887.947.904 đồng, hiện công ty vẫn đang hoạt động và có một số khó khăn về các khoản đầu tư dài hạn nên chưa trả nợ VEAM, các công ty còn lại vẫn đang thực hiện trả nợ dần.

Cũng theo VEA, Tổng công ty đã thành lập Ban thu hồi công nợ và tích cực thu hồi nợ; thực hiện phối hợp với các đơn vị xây dựng phương án, đưa ra các giải pháp để tối đa khoản trả nợ cho VEAM. Đồng thời, VEAM đang rà soát, xem xét tính pháp lý các khoản hỗ trợ vốn để có cơ sở trích lập dự phòng theo quy định pháp luật.

“Tại ngày 31/12/2022, Tổng Công ty trích lập dự phòng giảm giả hàng tồn kho là 1.007.856.390 đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là 123.814.327.969 đồng (giá trị đã trích lập tại ngày 01/01/2022 là 223.935.974 đồng trong tổng số hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển với giá trị là 133.751.043.957 đồng)... "

Theo VEA, đối với một số mặt hàng tồn kho ứ đọng từ nhiều năm trước (thời kỳ công ty TNHH) và chậm luân chuyển, tại thời điểm lập báo cáo, VEAM chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.

“Tại ngày 31/12/2022, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị là 407.000.745.151 đồng (bao gồm: chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt dộng từ năm 2015 và Chi nhánh Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn bộ (“Matexim ”) là 403.207.548.748 đồng đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phỉ sản xuất kỉnh doanh dở dang... ”.

VEA cho biết, chi phí trả trước dài hạn tại Công ty Matexim chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí khác của Nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước.

Hiện nay, Nhà máy sắt xốp đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên chưa đánh giá được các khoản mục chi phí liên quan. Công ty Matexim đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra và kế hoạch tăng vốn tại Matexim được thực hiện từng bước theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho VEAM.