06:40 15/02/2007

“Tự tin trên bàn đàm phán”

Hồng Thoan thực hiện

“Trong đàm phán tôi không dùng thủ thuật, nhưng tất nhiên phải có nghệ thuật đàm phán”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển sau khi Việt Nam kết thúc thành công đàm phán gia nhập WTO với Mỹ - Ảnh: TT.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Trương Đình Tuyển sau khi Việt Nam kết thúc thành công đàm phán gia nhập WTO với Mỹ - Ảnh: TT.
“Trong đàm phán tôi không dùng thủ thuật, nhưng tất nhiên phải có nghệ thuật đàm phán”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói.

Bộ trưởng bắt đầu tham gia đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO từ thời điểm nào?

Từ năm 1995, Việt Nam bắt đầu đệ đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lúc đó đồng chí Bộ trưởng trước tôi là ông Lê Văn Triết, người thay mặt Chính phủ gửi đơn xin gia nhập đồng thời chỉ đạo việc xây dựng bị vong lục về chính sách kinh tế, thương mại của Việt Nam và sau đó tôi bắt đầu trực tiếp chỉ đạo tiến trình đàm phán từ năm 1997.

Bộ trưởng đã tham gia trực tiếp vào việc kết thúc đàm phán với những đối tác lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, điều gì khiến Bộ trưởng cảm thấy thú vị nhất?

Có thể nói công việc đàm phán gia nhập WTO là công việc của rất nhiều bộ, ngành dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng phụ trách trực tiếp là đồng chí Vũ Khoan. Rất nhiều Bộ trưởng tham gia vào quá trình đàm phán. Cá nhân tôi chỉ làm nhiệm vụ điều phối tiến trình đàm phán.

Có lẽ đóng góp có ý nghĩa nhất của tôi là lựa chọn những đối tác khó nhất để đàm phán. Đó là một điều thú vị!

Có rất nhiều đối tác đàm phán khó tiến triển như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Đây là những đối tác mà chúng ta có quan hệ thương mại lớn. Khi một nước có quan hệ thương mại lớn, bao giờ người ta cũng đòi hỏi nước kia nhiều hơn, như vậy đòi hỏi nhiều mà đạt được yêu cầu của họ thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp của họ phát triển kinh doanh buôn bán với Việt Nam.

Trong những đối tác lớn, cá nhân tôi quyết định đột phá vào Liên minh châu Âu, đó là một quyết định mà đến bây giờ tôi thấy vẫn rất đúng. EU là một trong những đối tác lớn đầu tiên chúng ta kết thúc đàm phán song phương vào tháng 10/2004.

Thưa Bộ trưởng, việc kết thúc đàm phán với Liên minh châu Âu vào thời điểm đó là một sự kiện lớn. Vậy ông có bất ngờ với kết quả này không?

Việc kết thúc đàm phán với Liên minh châu Âu, có thể đối với nhiều người thì đó là điều bất ngờ nhưng đối với cá nhân tôi thì không phải là quá bất ngờ vì đó là một chương trình được lập sẵn.

Bởi vì ngay từ cuối năm 2003, trong cuộc gặp song phương với ngài Pascal Lamy - Tổng giám đốc WTO, lúc bấy giờ là Cao uỷ của Liên minh châu Âu đặc trách về thương mại, tôi đề nghị với ngài Pascal lộ trình 3 bước trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU.

Bước thứ nhất là xử lý những vấn đề còn tồn tại trong hiệp định dệt may năm 2003. Thứ hai là Việt Nam và EU đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO. Bước ba là xây dựng một tiến trình mới, mối quan hệ mới giữa Việt Nam và EU sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Lúc đó, ông Pascal Lamy không đồng ý với lộ trình 3 bước này, mà ông đưa ra lộ trình 4 bước. Bước thứ nhất, đồng ý giải quyết những vấn đề tồn tại trong hiệp định dệt may năm 2003. Bước thứ hai, đề nghị đàm phán một hiệp định dệt may mới giữa Việt Nam và EU cho năm 2005. Sau đó mới đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO. Và cuối cùng mới đàm phán về tiến trình mới giữa Việt Nam và EU sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Thêm một bước đàm phán về hiệp định dệt may năm 2005 sẽ rất bất lợi cho Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam vẫn tiếp tục phải chịu hạn ngạch dệt may trong năm 2005, trong khi chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc họp xin cắt bỏ hạn ngạch dệt may với EU mặc dù chúng ta chưa là thành viên của WTO. Điều thứ hai quan trọng hơn là khi có hiệp định dệt may năm 2005, để tăng hạn ngạch dệt may thì chúng ta phải cam kết mở cửa thị trường.

Như vậy, chúng ta phải mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực cho EU. Nếu họ đạt được quyền đó rồi thì khi đàm phán việc Việt Nam gia nhập WTO, họ sẽ tiếp tục đặt ra một số yêu cầu mới. Như vậy, thời gian đàm phán sẽ bị kéo dài và chúng ta tiếp tục phải chịu mở cửa thị trường theo yêu cầu mới.

Việc kết thúc đàm phán cũng không hề đơn giản. Bởi sau khi thuyết phục nhau thì không bên nào chịu bên nào. Ông Pascal Lamy có hỏi tôi một câu: “Thưa ngài Bộ trưởng, Việt Nam có quyết tâm gia nhập WTO trong năm 2005 hay không?”.

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, nếu chúng ta nói là chúng ta quyết tâm vào WTO trong năm 2005 thì chúng ta sẽ bị neo vào mốc thời gian, và lúc đó, các đối tác khác sẽ ép chúng ta.

Trước đó, trong dự thảo nghị quyết của Trung ương đã có ý là “Phấn đấu gia nhập WTO trong năm 2000”, nhưng nhiều đồng chí, trong đó có tôi không đồng ý với điều đó mà chỉ nên ghi “Phấn đấu sớm gia nhập WTO”.

Trong bàn đàm phán, đã từng có lần Bộ trưởng bỏ ra ngoài và để lại anh em trong đoàn tiếp tục đàm phán. Đó là do Bộ trưởng quá bực mình hay đó là thủ thuật?

Trong đàm phán tôi không dùng thủ thuật, nhưng tất nhiên phải có nghệ thuật đàm phán. Thái độ của tôi trong đàm phán là rất thẳng thắn, rất sòng phẳng và nói thật là tôi rất tự tin. Tôi không bao giờ e ngại trước bất cứ một đối tác nào ngay từ lần gặp đầu tiên. Có thể đó là phong cách của tôi.

Lần đầu tiên tôi gặp ông Pascal Lamy trong cuộc tham vấn giữa ASEAN và Liên minh châu Âu tại Thái Lan và sau đó tôi đã hẹn gặp ông tại Brussel (Bỉ). Sau này, các đồng chí khác đã cung cấp cho tôi cuốn tài liệu của EU ghi lại buổi gặp gỡ giữa tôi và ông Pascal Lamy, trong đó có kết luận buổi gặp gỡ đó rất thú vị bởi vì tôi luôn luôn tự tin.

Tôi là người luôn làm chủ quá trình đàm phán. Khi đàm phán với các đối tác, trên tay tôi không có bất cứ giấy tờ nào, kể cả khi đàm phán với Mỹ, EU. Thậm chí có những chi tiết quá cụ thể, vì sợ tôi quên nên anh em đã viết ra giấy nhưng tôi đã gạt ngay đi. Qua đó, tôi muốn nói với các đối tác, tôi luôn luôn làm chủ quá trình đàm phán, không lệ thuộc vào bất cứ điều gì.

Nhiều người đã hỏi Bộ trưởng rằng Bộ trưởng có thể so sánh cuộc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO với đàm phán Paris hay không? Cụ thể, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

Tôi đã trả lời rằng không nên và không thể so sánh đàm phán gia nhập WTO với đàm phán Paris. Vì đàm phán Paris liên quan đến vận mệnh sống còn của dân tộc còn đàm phán gia nhập WTO là mốc phát triển mới đất nước, nên chúng ta không nên so sánh.

Tuy nhiên, có một điểm rất giống nhau, đàm phán Paris do chiến trường quyết định, nếu lực lượng quân và dân của chúng ta không lớn mạnh, thắng to thì chúng ta rất khó có Hiệp định Paris, đàm phán gia nhập WTO cũng vậy, nếu chúng ta không có những cải cách, đường lối đổi mới thì chúng ta không thể nào có thể đàm phán gia nhập WTO được.

Tất cả các vòng đàm phán đã khép lại, cánh cửa WTO đã rộng mở đón chào thành viên thứ 150 là Việt Nam, yếu tố nào quan trọng nhất để nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển trong bối cảnh mới này, thưa Bộ trưởng?

Gia nhập WTO, thách thức lớn nhất là cạnh tranh. Chủ thể cạnh tranh là doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp không tự quyết định tất cả mà chính Nhà nước tạo ra giới hạn và tạo ra điều kiện môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh.

Có thể nói, có 6 yếu tố tạo nên sức cạnh tranh tổng lực của nền kinh tế, trong đó có 4 yếu tố chủ yếu là do Nhà nước: hệ thống luật pháp có thông thoáng hay không; bộ máy hành chính có tốt không, có vì doanh nghiệp hay không; cơ sở hạ tầng có tốt hay không; chính sách đào tạo có tạo ra nguồn nhân lực tốt cho doanh nghiệp không.

Như vậy, riêng Nhà nước chịu trách nhiệm 4 yếu tố và 4 yếu tố này chuyển mối quan hệ đó thành cạnh tranh giữa chính phủ và chính phủ.

Lâu nay, chúng ta nói cạnh tranh giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp là chưa đủ mà nói cho đúng phải là cạnh tranh giữa chính phủ và chính phủ. Nhưng mà Chính phủ tạo điều kiện tốt rồi, doanh nghiệp có cạnh tranh được không thì lại là do doanh nghiệp.

Một là doanh nghiệp phải làm ra sản phẩm tốt với giá rẻ. Hai là phải có khả năng tổ chức thị trường để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ở đây người ta nói thương trường giống như chiến trường là rất chính xác, doanh nghiệp muốn chiến thắng phải đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng, dành được người tiêu dùng, cho nên đối tượng quan trọng của doanh nghiệp là người tiêu dùng.