10:11 12/07/2025

Tuân thủ pháp lý và minh bạch: “Giấy thông hành” cho ngành chăm sóc cá nhân

Vân Nguyễn

Thị trường chăm sóc cá nhân Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, kéo theo yêu cầu cao hơn về an toàn, minh bạch và phát triển bền vững. Song, nhiều doanh nghiệp không coi đây là rào cản, mà là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu từ Statista, thị trường chăm sóc cá nhân Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ổn định ở mức 3,26% cho đến năm 2030. Động lực chính cho sự phát triển này đến từ xu hướng tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và bền vững.

CƠ HỘI ĐỂ DOANH NGHIỆP "LÀM ĐÚNG" TĂNG LỢI THẾ CẠNH TRANH

Cùng với đà tăng trưởng của thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã và đang nâng cao công tác kiểm soát nhằm xử lý các vi phạm về an toàn sản phẩm, hàng giả và các vấn đề đạo đức trong chuỗi cung ứng ngành hàng chăm sóc cá nhân. Điều này phản ánh một bước chuyển mình mạnh mẽ của toàn ngành, hướng tới một mô hình tăng trưởng gắn liền với tuân thủ và phát triển có trách nhiệm.

Để lành mạnh hóa thị trường đang tăng trưởng “nóng” và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ và các bộ ngành đã có những động thái quyết liệt. Hàng loạt văn bản chỉ đạo đã được ban hành như Công điện số 55/CĐ-TTg về xử lý sản xuất, buôn bán hàng giả; Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại hay Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác này trong tình hình mới;…

Trước loạt động thái siết chặt quản lý, thay vì tâm lý lo ngại, góc nhìn từ các doanh nghiệp trong ngành lại cho thấy một sự đồng thuận cao. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc siết chặt quản lý để thị trường minh bạch hơn và hướng tới phát triển bền vững là hướng đi tất yếu và đúng đắn. Đây không phải là rào cản, mà là cơ hội để các doanh nghiệp “làm ăn chân chính” khẳng định giá trị, biến việc tuân thủ thành một lợi thế cạnh tranh bền vững.

Tuân thủ pháp lý và minh bạch: “Giấy thông hành” cho ngành chăm sóc cá nhân - Ảnh 1

Tại tọa đàm “Nguồn cung có trách nhiệm: Tuân thủ thành phần, đảm bảo an toàn trong ngành chăm sóc cá nhân” do DKSH Việt Nam tổ chức vào chiều 11/7, bà Hoàng Thị Tố Nga, Giám đốc ngành Nguyên liệu hóa chất, DKSH Việt Nam, cho rằng các nhà sản xuất không nên có tâm lý “trông chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng”, mà nên chủ động làm đúng để tự bảo vệ thương hiệu của mình. Lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong bối cảnh hiện nay nằm ở chỗ “làm đúng” ngay từ đầu.

“Trong thời đại thông tin bùng nổ, khi tất cả mọi người đặc biệt là các bạn trẻ Gen Z có thể kiểm chứng thông tin chỉ trong vài giây, vài phút thì việc cung cấp thông tin một cách minh bạch chính là nguồn vốn để chúng ta tồn tại, để chúng ta khẳng định thương hiệu. Hành lang pháp lý mà nhà nước đang siết lại thực chất đang giúp cho những doanh nghiệp làm đúng, làm đủ đi đúng hướng, phát triển hơn”, bà Nga nhần mạnh.

Quan điểm này cũng được chia sẻ và đồng thuận bởi các tập đoàn cung cấp nguyên liệu hàng đầu thế giới, ông Edward Loi, Quản lý Kinh doanh Kỹ thuật ngành Chăm sóc Cá nhân khu vực Đông Nam Á, Elementis, nhìn nhận việc tuân thủ không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là một "cam kết về đạo đức" với người tiêu dùng về sự an toàn và sức khỏe.

Trong khi đó, theo ông Ervan Santoso, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á, Tập đoàn WACKER, xem việc kết hợp giữa hiểu biết sâu rộng về pháp lý và am hiểu thị trường địa phương chính là "chìa khóa để phát triển bền vững tại Việt Nam".

Khi được hỏi về tác động của việc siết chặt quản lý, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nga cho biết điều này không làm thay đổi quy trình làm việc vốn đã tuân thủ của công ty. “Việc siết chặt quy định chỉ góp phần làm rõ  hơn những gì công ty vốn đã và đang thực hiện đúng quy trình”, bà Nga nói.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Song hành với tuân thủ pháp lý là trụ cột về phát triển bền vững, một xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu. Bà Michelle Delac, Phó Chủ tịch, Nguyên liệu Chăm sóc cá nhân toàn cầu, Tập đoàn DKSH, nhận định: “Xu hướng bền vững đã bắt đầu sớm hơn tại châu Âu, song các quốc gia châu Á chắc chắn đang bắt kịp và tham gia vào làn sóng đó. Đồng thời, mục tiêu phát triển bền vững thực sự đang dần bắt đầu và phát triển trong ngành chăm sóc cá nhân”.

Theo bà Miechelle, bền vững là một chủ đề lớn vì không chỉ là sản phẩm, mà còn đang nói về khí hậu, về con người, tác động xã hội và cách kinh doanh có trách nhiệm. Đối với DKSH, đó còn là về việc tạo ra nhận thức, giáo dục và tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm cũng như cách thức làm việc.

Tuân thủ pháp lý và minh bạch: “Giấy thông hành” cho ngành chăm sóc cá nhân - Ảnh 2

Trong bối cảnh mới, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc tuân thủ quy định và theo đuổi phát triển bền vững không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn để các doanh nghiệp chân chính khẳng định giá trị, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên một thị trường ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Để hiện thực hóa cam kết "làm đúng" và theo đuổi phát triển bền vững, sự hợp tác chặt chẽ trong toàn chuỗi cung ứng được xem là yếu tố then chốt. Hiện nay, cùng chung cam kết về nguồn cung ứng có trách nhiệm và môi trường kinh doanh lành mạnh, các tập đoàn nguyên liệu toàn cầu như Ashland, WACKER, Elementis đang phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường như DKSH tại Việt Nam.

Mục tiêu của sự hợp tác này là tăng cường tuân thủ nội bộ và đảm bảo tất cả nguyên liệu đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn pháp lý bắt buộc. Với vai trò là "cầu nối" giữa các nhà sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, DKSH cho biết họ không chỉ phân phối sản phẩm mà còn cung cấp giải pháp toàn diện "end-to-end". Thông qua các Trung tâm Sáng tạo (Innovation Center), DKSH có thể hỗ trợ khách hàng từ khâu phát triển ý tưởng, xây dựng công thức cho đến việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý.