"Tuổi nghỉ hưu của nữ và nam nên bằng nhau"
Khuyến nghị của Nhóm công tác nguồn nhân lực tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra sáng 26/6 tại Hà Nội
Đó là khuyến nghị của Nhóm công tác nguồn nhân lực tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra sáng 26/6 tại Hà Nội.
Nhìn tổng thể về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, nhóm đưa ra đánh giá: bộ luật đã được soạn thảo rất kỹ lưỡng, lồng ghép thông lệ quốc tế tốt nhất và tư duy hướng tới tương lai. Các điều khoản nhìn chung đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và đồng thời bảo vệ tất cả các bên một cách công bằng, bền vững.
Điều này đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời cũng mang lại những cải tiến lớn về công bằng và trách nhiệm xã hội, nhóm công tác bình luận.
Tại dự thảo, một trong số nhiều vấn đề còn tranh cãi là quy định mới về tuổi nghỉ hưu, với đề xuất của Chính phủ là cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Với vấn đề này, nhóm công tác nguồn nhân lực đề nghị quy định độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới bằng nhau để thúc đẩy bình đẳng giới. Điều này cho phép phụ nữ có cơ hội bình đẳng để đạt đến vị trí quản lý và có tổng thu nhập như nhau trong suốt quãng thời gian lao động.
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm khi sửa Bộ luật Lao động là trần giờ làm thêm của người lao động. Đây cũng là vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài liên tục nêu ra tại các kỳ VBF.
Kỳ này, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) tiếp tục phản ánh, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt của Chính phủ Việt Nam là 4 giờ/ tuần, 30 giờ/ tháng, 200 giờ/năm (đối với ngành nghề cần tập trung nhiều lao động như may mặc, dệt may, giày dép là 300 giờ).
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, do đó, để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư này, cần phải nới rộng giới hạn này thêm nhiều, theo Kocham.
Hiệp hội này nói thêm, năm 2013 khi sửa đổi Bộ luật lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị phương án nới lỏng số giờ làm thêm 1 năm lên 360 giờ nhưng đã không được thực hiện do sự phản đối của Công đoàn.
Kocham cũng cung cấp thông tin là tại Hàn Quốc công nhận số giờ làm thêm khoảng 600 giờ/ năm (12 giờ/ tuần).
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Nhưng, Nhóm công tác nguồn nhân lực lưu ý, giới hạn này vẫn còn thấp hơn mức trung bình của khu vực. Đề xuất của nhóm là các văn bản hướng dẫn thực hiện không cấm nhân viên làm việc thêm giờ vượt quá mức trần này nếu họ có nguyện vọng như vậy để tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh nới trần về số giờ làm thêm, Kocham còn cho rằng cần sửa đổi phương án tính tiền lương làm thêm giờ.
Bởi, theo quy định phải chi trả tiền lương làm thêm giờ ít nhất 300% đối với ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hưởng lương thì tiền lương làm thêm giờ không bao gồm trong tiền lương của ngày làm việc vào ngày lễ, Tết, ngày nghỉ hưởng lương này. Do đó, trên thực tế, vào ngày nghỉ lễ, doanh nghiệp phải chi trả mức tiền lương 400% dẫn tới doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí lớn.
Với phân tích này, Kocham cho rằng nên loại trừ điều khoản này để tiền lương làm thêm giờ của các ngày này bao gồm cả tiền lương của ngày đó giống như tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ theo tuần.