Tuyển dụng lao động về nước làm việc tại doanh nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang
Việc tuyển dụng nhằm bổ sung nhân sự cho các doanh nghiệp hoạt động tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhiều công ty đưa ra mức lương từ 7 – 12 triệu đồng/tháng…
Theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cơ quan này sẽ phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận đăng ký phỏng vấn tuyển dụng của một số công ty có nhu cầu tuyển dụng người lao động tham gia Chương trình EPS và Chương trình IM Japan đã kết thúc hợp đồng về nước làm việc tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Việc tuyển dụng nhằm bổ sung nhân sự cho 6 doanh nghiệp đang hoạt động tại 2 tỉnh nói trên. Đối tượng tham dự là người lao động tham gia Chương trình EPS và Chương trình IM Japan đã kết thúc hợp đồng về nước.
Các chỉ tiêu tuyển dụng lao động tuổi từ 18-45, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, có sức khỏe tốt, chăm chỉ chịu khó, chấp nhận làm việc 8h/ngày và tăng ca. Người lao động chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo và bố trí ký túc xá.
Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là công nhân, thợ hàn, thợ sơn, một số mức lương có thể theo thỏa thuận, tuy nhiên một số doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các công ty sẽ liên hệ phỏng vấn qua điện thoại hoặc qua phần mềm zoom meeting. Vì vậy, người lao động cần chủ động chuẩn bị đầy đủ thông tin cá nhân, các bằng cấp, chứng chỉ trước khi phỏng vấn.
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang vào tháng 5 buộc Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp gồm 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42.000 lao động phải ngừng việc.
Đến nay, sau khi khống chế được dịch Covid-19, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh theo kế hoạch.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Bắc Ninh và Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động, trong đó tập trung vào giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại Bắc Ninh, ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 5.700 người đăng ký làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chủ yếu là những lao động trong lĩnh vực điện, điện tử, chiếm hơn 50%.
Theo ông Duyệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng triệu lao động bị mất việc, giãn việc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành điểm tựa cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người lao động được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới.
Tại Bắc Giang, thống kê cho thấy số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm đến nay trên 7.000 người. Ông Nguyễn Văn Huyên, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang thông tin, từ tháng 7 đến nay, sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát trên địa bàn, số lao động đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm rất đông.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đã đa dạng hóa các hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục, hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp qua websize, fanpage, zalo, facebook…
Ngoài giải quyết chế độ về bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm cũng đẩy mạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi người lao động đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động.