Thanh Hóa: bảo hiểm thất nghiệp - “điểm tựa” cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa sẽ cùng với các cơ sở tổ chức đào tạo nghề cho lao động là người thất nghiệp, nhằm giúp người lao động học nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó hạn chế tình trạng thất nghiệp…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng, thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp tại Thanh Hóa – một trong những địa phương có đông lao động từ các tỉnh phía Nam trở về trong đợt dịch thứ 4.
LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG NHẬN TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP CHIẾM TỶ LỆ CAO
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 là 348.318 người, tăng 18.868 người so với quý 1/2021.
Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 65,27%).
Đây cũng là nhóm lao động dễ bị thất nghiệp cần có các biện pháp đẩy mạnh chính sách hỗ trợ học nghề giúp nâng cao trình độ cho người lao động như mở rộng danh mục nghề đào tạo, đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ học nghề...
Trong khi đó, nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ trọng thấp nhất (chiếm 4,55% tổng số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: thợ may, thêu và các thợ có liên quan; kỹ thuật viên điện tử; thợ lắp ráp; thợ hàn…
Riêng trong quý 2/2021, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Thanh Hóa là 7.198 người, tăng 99,06% so với quý 1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp trung bình trong quý 2/ 2021 là trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Để hỗ trợ người lao động trong mùa dịch và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kết nối cung cầu lao động cũng như giải quyết các chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến đông đảo người lao động, khuyến khích người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, một mặt tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Cùng với đó, tăng cường kết nối thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhằm cung cấp đa dạng thông tin vị trí việc làm, giúp người lao động thất nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp, hạn chế tình trạng thất nghiệp.
Trung tâm cũng sẽ liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức đào tạo cho lao động là người thất nghiệp, nhằm giúp họ học nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp...
ĐÀO TẠO NGHỀ PHÙ HỢP TỪNG NHÓM LAO ĐỘNG
Bên cạnh giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm cũng đẩy mạnh thu thập thông tin về thị trường lao động để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống.
Từ đó tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhất là đối với lao động trở về từ vùng có dịch.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, từ đợt bùng phát dịch thứ 4 đến thời điểm này, số công dân của tỉnh trở về từ vùng dịch khoảng 166.300 người.
Lao động trở về từ vùng dịch chủ yếu là lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp, chứng chỉ. Khoảng 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề.
Để hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có phương án về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Theo đó, người lao động sẽ được giải quyết tạo việc làm các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, từ đó sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.