Tuyến đường ác mộng tại Hà Nội sắp được “giải cứu” bởi dự án 700 tỷ đồng
Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 có tổng đầu tư gần 700 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố sẽ chính thức được thông xe trong ngày 5/10...
Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 có tổng đầu tư gần 700 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Sau hơn 2 năm thi công, dự án đã cơ bản hoàn thiện và đang chờ ngày đưa vào sử dụng.
Hầm chui Lê Văn Lương sẽ được xây dựng theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu để vượt ngầm qua đường Vành đai 3. Thay vì 8 làn xe như hiện nay, sau khi hầm chui Lê Văn Lương được xây dựng, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu và ngược lại. Hầm chui Lê Văn Lương là dự án hầm chui thứ 3 trên dọc đường Vành đai 3 (sau hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa).
Công trình có kết cấu bằng bê tông cốt thép, dài 475m. Trong đó, phần hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380m. Mỗi chiều hầm rộng 7,5m,gồm 2 làn xe cơ giới.
Theo Ban quản lý dự án, ngày 5/10, công trình 700 tỷ này sẽ chính thức được đưa vào sử dụng.
Nhiều người Hà Nội hy vọng, sau khi có hầm chui tình trạng ùn tắc ở tuyến đường này sẽ giảm bớt.
Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là một trong những tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm. Đoạn rối loạn nhất là ngã ba Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương và nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu. Sở dĩ có tình trạng này là việc quy hoạch, quản lý đô thị đã không được thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Cách đây 5 tháng, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận về các sai phạm liên quan nhiều dự án chung cư, nhà cao tầng ở hai bên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình. Sau đó 3 ngày, đơn vị tổ chức công bố kết luận này.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND Hà Nội cùng một số quận, huyện liên quan khi nhiều lần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sai quy định tại các dự án.
Việc này dẫn đến nhiều công trình xây vượt tầng, tăng mật độ xây dựng, làm gia tăng dân số và tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng. Hiện có khoảng 40 chung cư, nhà cao tầng tồn tại trên trục đường chỉ dài hơn 2 km chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc kinh niên của tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Mặc dù được kỳ vọng giải cứu trục đường huyết mạch khỏi sự quá tải. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà cao tầng mới đang tiếp tục mọc lên ở khu vực này.
Được biết, hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến là hầm chui thứ tư ở thủ đô. Trước đó Hà Nội có hầm Kim Liên - Xã Đàn (năm 2009, vốn đầu tư 467 tỷ đồng), hầm Trung Hòa (năm 2016, 1.087 tỷ đồng), hầm Thanh Xuân (năm 2016, hơn 551 tỷ đồng).