09:14 12/11/2007

“Tuyệt vời, nhưng cần theo kịp nước khác”

Thùy Trang

Hỏi chuyện chuyên gia về việc Việt Nam đã được tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện khá nhanh chóng.
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện khá nhanh chóng.
Ngày 9/11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố báo cáo nghiên cứu về môi trường kinh doanh (Doing Business) năm nay.

Theo đó, Việt Nam đã được tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh. Từ vị trí 94 trong năm trước, năm nay, Việt Nam đã lên vị trí 91 trong tổng số 178 nền kinh tế được xếp hạng. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia nghiên cứu về khu vực tư nhân của WB, ông Justin Yap.

Trong 10 chỉ số chung để tính điểm xếp hạng cho các nước, ông có đưa ra 3 chỉ số (khởi nghiệp, tiếp cận tín dụng và giấy phép) nếu Việt Nam cải thiện tốt hơn nữa sẽ nâng hạng lên 30 bậc. Vậy theo nhìn nhận của ông, trong các lĩnh vực khác khả năng cải thiện của Việt Nam như thế nào?

Tôi không định nói rằng chỉ có 3 lĩnh vực Việt Nam mà Việt Nam cần cải thiện về thủ tục hành chính nói chung. Một trong những ví dụ tôi có thể đưa ra được là cải cách thuế. Việt Nam đang đứng thứ hạng 128 về chỉ số này. Đây là thứ hạng không được tích cực lắm.

Một trong những lí do khiến Việt Nam rơi vào thứ hạng thấp như vậy là do thời gian để các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về thuế là một gánh nặng đối với doanh nghiệp (1.050 giờ/năm).

Trong buổi làm việc với Tổng cục Thuế, chúng tôi thấy có rất nhiều mặt liên quan đến việc trả thuế, hay các nghĩa vụ về thuế mà Việt Nam có thể cải thiện được. Tôi có thể đưa ra một số ví dụ như nếu Việt Nam tiến hành kê khai thuế điện tử là một cách giảm gánh nặng đối với doanh nghiệp và rút ngắn thời gian về kê khai thuế.

Một cơ hội khác tôi cũng thấy Việt Nam có thể cải thiện được đó là giảm các biểu mẫu. Hiện nay, các doanh nghiệp phải áp dụng đến 61 biểu mẫu đối với việc kê khai thuế nói chung. Nếu chúng ta gộp các biểu mẫu lại sẽ làm giảm thiểu thời gian, đơn giản hoá thủ tục hành chính góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam lên chứ không chỉ có 3 chỉ số này Việt Nam mới có thể cải thiện được.

Thái Lan, Malaysia là những nước láng giềng của Việt Nam liên tục thăng hạng những năm qua, vậy Việt Nam có thể học tập gì từ những nước này?

Tôi nghĩ có một thông điệp là chúng ta cần liên tục đơn giản hoá các quy trình thủ tục. Nếu mức độ kinh doanh càng dễ dàng bao nhiêu thì càng thuận lợi bấy nhiêu cho Việt Nam thăng hạng được. Trong trường hợp doanh nghiệp cảm thấy việc kinh doanh dễ dàng, Chính phủ giảm được tất cả những tệ quan liêu, tệ hành chính giấy tờ thì Việt Nam có thể thăng hạng hơn nữa.

Đó là bài học có thể rút ra từ hai nước láng giềng Thái Lan và Malaysia. Nếu đơn giản hoá tất cả các quy trình thủ tục kinh doanh thì chi phí phải bỏ ra về mặt thời gian cũng như tiền bạc sẽ ít đi giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.

Ở đây, tôi muốn đưa ra một số ví dụ. Thứ nhất là xin giấy phép xây một nhà kho ở Việt Nam thời gian không tốn kém nhiều lắm nhưng lại tốn kém về chi phí. Theo kết quả nghiên cứu là 375% thu nhập bình quân đầu người trong khi ở Thái Lan chỉ là 10%. Điều đó cho thấy mức độ chênh lệch rất lớn.

Trong trường hợp Thái Lan và Malaysia, việc người ta làm là để các quy trình thủ tục minh bạch, rõ ràng với các doanh nghiệp. Dẫn đến thời gian và chí phí doanh nghiệp phải bỏ ra cũng ít hơn và người ta cũng sẵn sàng chi trả cho những chi phí đó.

Thứ hai để có con dấu ở Việt Nam phải được chấp nhận của cơ quan Nhà nước. Đó là quy trình rất lỗi thời và ở Malaysia không còn áp dụng quy trình đó nữa.

Một ví dụ khác liên quan đến thuế, ở Malaysia đã áp dụng công nghệ và doanh nghiệp có thể kê khai thuế điện tử nên thời gian kê khai thuế của doanh nghiệp ở Malaysia chỉ mất 166 giờ trong khi ở Việt Nam là 1.050 giờ. Do đó, nếu có thể áp dụng công nghệ trong một lĩnh vực nào đó cũng là cách để Việt Nam có thể cải thiện quy trình thủ tục, giúp Việt Nam thăng hạng.

WB đã theo dõi các chỉ số của Việt Nam được 5 năm, ông nhận định sự khác biệt giữa năm nay và năm đầu tiên như thế nào, xu thế phát triển tiếp theo của Việt Nam sẽ ra sao?

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã có những biến chuyển tuyệt vời trong những năm qua. Trên bình diện chung, các cải cách của Việt Nam được tiến hành nhanh, có 413 cải cách trong 5 năm qua nhưng chỉ riêng năm ngoái thôi đã có 200 cải cách rồi. Điều đó cho thấy cải cách được tiến hành ở tốc độ rất nhanh.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần theo kịp tốc độ cải cách của các nước khác trong khu vực chứ không chỉ so sánh với bản thân Việt Nam mà thôi. Nếu Việt Nam tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hành chính, đó sẽ là cách giúp Việt Nam cải thiện hơn nữa trong tương lai. Có một việc Việt Nam cũng có thể làm được ngay là giảm tệ quan liêu giấy tờ.

Một vấn đề nữa mang tính “dài hơi” hơn là bảo vệ các nhà đầu tư. Tôi biết ở Việt Nam đã có những quy định việc công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hay như quy định giám đốc phải chịu trách nhiệm trong một số trường hợp nhất định, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể kiện các công ty hoặc kiện lại người giám đốc...

Nếu Việt Nam thực hiện những điều này trên thực tế thì sẽ bắt kịp những cải cách đang tiến hành rất nhanh ở các khu vực khác thì triển vọng và tương lai của Việt Nam rất sáng sủa.

Như vậy, so với quá khứ, vị trí của Việt Nam đã tốt nhưng tốc độ thăng hạng của Việt Nam so với các nước trong khu vực thì sao? Họ có cải cách nhanh hơn Việt Nam không?

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang tiến hành cải cách. Khu vực Tây Á đang cải cách rất nhanh và hơn nhiều khu vực khác. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đứng đầu về cải cách và nước này đã cải cách 3 lĩnh vực, trong đó có việc đóng cửa doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực khó nhưng Trung Quốc đã làm được.

Còn Việt Nam đã cải cách 2 lĩnh vực: bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận tín dụng. Tôi nghĩ triển vọng của Việt Nam hoàn toàn có thể tiến nhanh hơn thế nữa. Nhưng nếu tôi là nhà đầu tư, tôi sẽ cân nhắc không chỉ cái quốc gia đó đang làm mà cả cái quốc gia đó sắp làm trong tương lai. Và tôi sẽ cân nhắc Việt Nam cùng với các quốc gia khác trong khu vực.