Tỷ giá USD/VND dần ổn định, lãi suất vẫn chịu áp lực tăng
Do tình trạng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao hơn huy động chưa được cải thiện nên các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới...
Trong tuần trước, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng 11 được công bố đã xác nhận về những rủi ro mà việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể gây ra đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính cũng như tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại trước những rủi ro trên.
Phản ứng của thị trường trước thông tin này, công cụ khảo sát của CME Group cho thấy: có 70% khả năng Fed tăng 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp giữa tháng 12 và chỉ có 30% khả năng tiếp tục tăng mạnh 0,75 điểm phần trăm.
Việc kỳ vọng Fed không tăng mạnh lãi suất dẫn đến đồng USD tiếp tục hạ nhiệt trong tuần qua. Theo đó, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh giảm 0,9% so với tuần trước và giảm 5,5% so với cuối tháng 10; đồng thời, các đồng tiền khác hầu như có dấu hiệu tăng so với USD.
Đối với thị trường trong nước, diễn biến tích cực từ thị trường quốc tế cùng với nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào đến từ giải ngân FDI trong 11 tháng vẫn ở mức khả quan, đạt 19,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, góp phần đưa tỷ giá USD/VND dần ổn định. Tỷ giá liên ngân hàng hạ nhiệt về vùng 24.800 VND. Chênh lệch giữa tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do không có nhiều sự khác biệt, khi giá USD tự do giao dịch ở vùng 24.900 VND.
Cùng với đà này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có bước điều chỉnh hạ tỷ giá bán tại Sở Giao dịch lần thứ 3 trong vòng 3 tuần qua, về mức 24.840 VND.
Tuy nhiên, trái với tỷ giá, lãi suất vẫn đang chịu áp lực tăng đáng kể. Trên thị trường liên ngân hàng, mặc dù trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước bơm ròng khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn được đẩy lên mức trên 6%/năm của kỳ hạn qua đêm.
Còn trên thị trường 1, tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5% – 9,5%/năm. Thậm chí, mặt bằng lãi suất này còn chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 – 4,0 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid-19.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù mặt bằng lãi suất cao hơn trước rất nhiều nhưng áp lực tăng vẫn khá lớn. Bởi lẽ, tính đến cuối tháng 10/2022, số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.
Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng tăng nhưng tốc độ tăng có phần chậm hơn lãi suất huy động. Điều này là do một số ngân hàng thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Gần đây, hai ngân hàng VCB và HDB đã công bố việc giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% đến 3,5%/năm đối với các khoản vay VND dành cho các nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ ngày 1/11 - 31/12.