09:45 22/10/2020

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam không ngừng giảm

Bạch Huệ

Nợ công/GDP của Việt Nam năm 2016 đạt 63,7% nhưng dự kiến con số này năm 2021 giảm xuống còn 46,1%

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt
Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt

Báo cáo đánh giá nợ công giai đoạn 2016 -2020 của Chính phủ cho rằng các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, góp phần làm tăng dư địa chính sách tài khóa.

NỢ CÔNG/GDP GIẢM MẠNH

Kết quả là, tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP cũng giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8% ước năm 2020. 

Nợ nước ngoài quốc gia/GDP có xu hướng tăng đáng kể, từ mức 44,8% năm 2016 tăng lên 47,9% năm 2020. 

Riêng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước tăng từ 15,8% năm 2016 lên mức 24,1% năm 2020. 

Các chỉ tiêu này đều đạt mức Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/kim ngạch xuất khẩu không đạt chỉ tiêu của Quốc hội, năm 2016 đạt 29,7% nhưng năm 2020 ước tăng lên 34,6%. Nguyên nhân được Chính phủ đưa ra là hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hàng năm tăng mạnh.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam không ngừng giảm - Ảnh 1.

Nợ công 2016-2020 và dự kiến 2021. Nguồn: Báo cáo của Chính phủ

"Cơ cấu nợ đã có chuyển biến tích cực, dư nợ công giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55,0% GDP cuối 2019; tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019; tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên 60,1% năm 2016 và 61,9% tổng dư nợ của Chính phủ cuối năm 2019; đồng thời lãi suất giảm dần, kỳ hạn trả nợ tăng dần, cơ sở nhà đầu tư được mở rộng, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ", báo cáo nêu.

Năm 2021, dự kiến nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh. Mức vay, trả nợ của Chính phủ, của địa phương và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4%, cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ huy động ước đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng (bình quân 260.000 tỷ đồng/năm) thông qua phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc của ngân sách, đảm bảo trong phạm vi dự toán được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

Về lãi suất phát hành, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ mức khoảng 6,5-8,0%/năm đối với các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm xuống còn khoảng từ 1,5-3,5%/năm, trong đó kỳ hạn 10 năm đến 30 năm đang có lãi suất thấp nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường mà các tổ chức phi ngân hàng đang chiếm vị thế trọng yếu. 

Về ký kết hiệp định vay nước ngoài, giai đoạn 2016-2020 tổng trị giá ký kết các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ ước khoảng 12,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2016-9/2020 đã ký kết 112 hiệp định vay với tổng trị giá 11,9 tỷ USD.

Về rút vốn vay nước ngoài, trong giai đoạn 2016-2020, rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 15,9 tỷ USD, tương đương khoảng 360.000 tỷ đồng, bao gồm vay nước ngoài cho cấp phát ngân sách Trung ương và vay về cho vay lại. 

Mặt bằng lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp (1,8%/năm) do gần 98% khoản vay nước ngoài có điều kiện ODA, ưu đãi; kỳ hạn vay bình quân 25 năm, thời gian ân hạn bình quân 7 năm, đáp ứng yêu cầu về vay dài hạn cho đầu tư phát triển. 

Trong những năm qua, việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới cam kết với các nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nâng cao chất lượng các đợt làm việc thường niên của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam khiến chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp sẽ giảm đi. 

Để đạt được kết quả giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam, trước hết phải kể đến thành công của Chính phủ trong việc kiềm chế hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước, qua đó khẳng định tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta hậu đại dịch. Chính phủ cắt giảm mạnh bội chi và tỷ lệ nợ công, tạo dư địa dự phòng chính sách để ứng phó với rủi ro vĩ mô như nền kinh tế nước ta đang đối mặt trong năm 2020.

DANH MỤC NỢ VẪN TIỀM ẨN RỦI RO

Bài toán giải ngân đầu tư công, trong đó vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài vẫn đang làm khó Chính phủ, giải ngân vốn còn chậm. Chính phủ đánh giá với tốc độ giải ngân như hiện nay thì khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu của Quốc hội đề ra năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Việc huy động vốn của Chính phủ gặp áp lực nhất định tại một số thời điểm với việc không phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm.

Chính phủ đánh giá cơ cấu nợ đã có sự thay đổi tích cực, tuy nhiên đặc điểm danh mục nợ hiện tại vẫn tiềm ẩn rủi ro, kém thuận lợi hơn trước đây.

Đến cuối năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP dự kiến tăng so với năm 2019, tuy vậy vẫn được kiểm soát tương đối tốt ở mức 50,8% (so với mức 52,7% vào năm 2016). Tuy vậy, đặc điểm chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017.

Về rủi ro tái cấp vốn/thanh khoản: rủi ro thanh khoản trong giai đoạn tới chủ yếu phát sinh từ các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm và một số thời điểm trong năm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách. Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong giai đoạn tới, các khoản vay IDA từ Ngân hàng Thế giới (kể từ tháng 7/2021) và ADF từ Ngân hàng Phát triển châu Á (kể từ năm 2023) sẽ bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, theo đó kỳ hạn trả nợ gốc rút ngắn còn một nửa so với điều kiện vay ban đầu. 

Trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cao cho đầu tư phát triển.

Báo cáo nhấn mạnh nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh vượt ngưỡng 25% và có nguy cơ vượt ngưỡng vào một số năm trong giai đoạn tới do lịch trả nợ gốc không đồng đều, tập trung cao vào một số năm. Vấn đề này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia. 

Áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách để trả nợ đến hạn (chủ yếu là nợ trái phiếu) là không nhỏ trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả yêu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động (như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn…), đặc biệt trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn.