Tỷ lệ phục hồi du lịch của Singapore vượt xa các thị trường lân cận
Chính sách miễn thị thực, tập trung quảng bá là điểm đến an toàn, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - giải trí độc đáo đã giúp Singapore hưởng lợi từ thị trường khách quốc tế...
Động lực thúc đẩy du lịch Singapore cũng đồng thời song hành với quá trình phục hồi của lượng du khách quốc tế. Trong năm 2023, đảo quốc Sư tử đã ghi nhận 13,6 triệu lượt du khách, đạt 71% so với năm 2019. Với kỳ vọng từ 15 - 16 triệu lượt du khách đến Singapore trong năm 2024, ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp từ 26 - 27,5 tỷ đô la vào doanh thu.
Tính đến ngày 24/2, tổng lượng khách quốc tế đến Singapore đạt 2,8 triệu lượt, trong đó có khoảng 57.700 lượt khách đến từ Việt Nam. Cũng theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Singapore (STB), hơn 327.000 lượt khách Trung Quốc đã đến Singapore trong tháng 2, bằng 96% so với cùng kỳ 2019. Số lượt đặt vé máy bay của khách Trung đến Singapore trong quý I ước đạt 101% so với trước dịch. Dữ liệu từ Cicium cho thấy lượng khách Trung tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Tỷ lệ phục hồi khách Trung Quốc của Singapore vượt xa các thị trường lân cận. Thái Lan có tỷ lệ phục hồi khách Trung khoảng 63%, Indonesia là 48%. Dịp Tết Nguyên đán, nhiều khách Trung Quốc đã đổ xô đến Singapore thăm thân và bạn bè, nghỉ dưỡng. Website Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng 2 cũng nhận định "Singapore là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong việc hút khách Trung".
Theo SCMP, du khách Trung Quốc được đánh giá "chi tiêu nhiều" bất chấp nền kinh tế trong nước ảm đạm và tâm lý tiêu dùng của người dân yếu hơn trước dịch. Dữ liệu từ Trip.com cho thấy chi phí trung bình mỗi lần đến Singapore của người dân Trung Quốc tăng 30% so với năm 2023. Edmund Ong, Tổng giám đốc Trip.com Singapore nhận xét khách Trung đến Singapore ngày một tăng "là dấu hiệu tốt". "Không chỉ số lượng khách tăng mà chi tiêu trung bình của mỗi khách cũng tăng", Ong nói.
Singapore đang đầu tư 300 triệu đô la vào Quỹ Phát triển Du lịch nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương và củng cố vị thế là trung tâm thương mai toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Alvin Tan mới đây nêu rõ kế hoạch phát triển, quảng bá các sản phẩm và trải nghiệm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch hiện có và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tạo ra các tài sản trí tuệ.
Quỹ đã đóng góp vào các điểm du lịch như Trifecta vào tháng 10/2023, cũng như đưa tàu du hành mới nhất của Disney Cruise Line mang tên Disney Adventure cập cảng độc quyền quanh năm tại Singapore từ năm 2025. Các dự án hoàn thành mới nhất bao gồm Sensoryscape, con đường nối liền Resorts World Sentosa và bãi biển Sentosa, với các khu vườn đa giác quan và những buổi trình chiếu nghệ thuật ánh sáng vào ban đêm. Resorts World Sentosa cũng sẽ ra mắt Singapore Oceanarium vào năm 2025, được xem như một phiên bản mở rộng của S.E.A. Aquarium với không gian lớn hơn gấp 3 lần.
Sau 6 đêm diễn thành công của Taylor Swift, Singapore vẫn tiếp tục là điểm đến cho người hâm mộ âm nhạc. Những cái tên được mong chờ phải kể đến có ITZY cùng chuyến lưu diễn thế giới lần thứ 2 , Kyuhyun (Super Junior) với tour diễn khắp châu Á "Restart" và concert toàn cầu Aespa Synk: Parallel Line Tour của 4 cô gái Aespa.
Trước đó, các chuyên gia ước tính những buổi biểu diễn của Taylor Swift có thể hỗ trợ tăng thêm 300 - 400 triệu SGD (tức khoảng 225-300 triệu USD), tương đương 0,2 điểm % tăng trưởng GDP cho nền kinh tế Singapore. “Đảo quốc Sư tử có truyền thống là một nam châm thu hút du lịch kinh doanh, nhưng những sự kiện âm nhạc toàn cầu quy mô lớn này là một lợi ích cho các dịch vụ liên quan đến du lịch của Singapore, có thể đóng góp tới 10% GDP của quốc gia này”, nhà kinh tế Yun Liu của ngân hàng HSBC khu vực ASEAN cho biết.
Ước tính trên 300.000 người hâm mộ trong nước và các quốc gia lân cận đã tham dự 6 buổi biểu diễn của siêu sao âm nhạc người Mỹ tại Sân vận động Quốc gia Singapore từ ngày 2 đến ngày 9/3. Nhu cầu vé máy bay và lưu trú tại Singapore đang tăng tới 30% khi người hâm mộ đến quốc đảo này để xem buổi biểu diễn.
Cả hãng hàng không hàng đầu là Singapore Airlines và hãng hàng không giá rẻ Scoot cho biết nhu cầu về các chuyến bay đến Singapore trong tháng 3 đã tăng vọt, đặc biệt là từ Đông Nam Á. Jestar Asia cũng xác nhận nhu cầu tăng khoảng 20% đối với các tuyến kết nối các điểm đến như Bangkok, Manila, Jakarta đến Singapore.
Có thể nói, du lịch sự kiện đang định hình lại ngành du lịch sau đại dịch khi ngày càng có nhiều người sẵn sàng bay ra nước ngoài để tham dự các buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao. Lượng khách du lịch đến Singapore để tham gia các sự kiện âm nhạc như trên mang lại nguồn lợi khổng lồ cho nước này, từ tăng trưởng kinh tế cho đến làm giàu văn hóa và được công nhận toàn cầu.
Để đạt được điều đó, các chuyên gia trong ngành và cơ quan quản lý hiểu rõ họ phải chủ động và tổ chức chuyên nghiệp, bài bản các sự kiện đẳng cấp thế giới nhằm thu hút ngày càng nhiều người dân Singapore lẫn du khách quốc tế. Ông Song Seng Wun, cố vấn kinh tế của CGS International (công ty chứng khoán hàng đầu châu Á), nhận định với hãng tin AFP: “Singapore bắt đầu mở cửa nhanh hơn các quốc gia khác sau đại dịch. Lợi thế đi đầu cũng như những nỗ lực phối hợp để tổ chức các hoạt động, sự kiện và hội nghị đã giúp ích. Sức mạnh của xu hướng đó đang ngày càng tăng lên”.
Sau đêm diễn của Taylor Swift, các chính trị gia của các nước trong khu vực đều cho rằng cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, tiện nghi của nước mình để thu hút du khách thông qua các sự kiện tương tự. Thủ tướng Srettha Thavisin tuyên bố Thái Lan sẽ triển khai nhiều biện pháp mới để thu hút những nghệ sĩ hạng A và đẳng cấp thế giới đến nước này, vid dụ như miễn thị thực, thay đổi quy định về sử dụng đồ uống có cồn tại những buổi hòa nhạc, điều chỉnh giờ hoạt động của các tụ điểm giải trí… Tại Indonesia, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết chính phủ nước này đã thành lập Quỹ Du lịch trị giá gần 130 triệu USD để hỗ trợ các sự kiện âm nhạc, thể thao, văn hóa nhằm hút khách quốc tế.
Ông Alan Chong, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam Singapore phân tích: "Singapore là điểm đến chiến lược. Chúng tôi có kết nối bằng đường hàng không, bộ và biển rất tốt, đến hầu hết các nước Đông Nam Á”. Tuy nhiên, Sinagpore có thể sẽ có cách tiếp cận khác với các hoạt động của sao hạng A trong tương lai. Chính phủ sẽ nhạy cảm hơn về cách người khác nhìn nhận vấn đề, theo ông Chong. "Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu điều đó nâng cao lợi ích quốc gia thì chúng tôi vẫn sẽ làm", ông Chong nói.