Ứng dụng công nghệ vào du lịch, Singapore sắp cho nhập cảnh “không hộ chiếu”
Singapore mới đây đã công bố một loạt các dự án phát triển và nâng cấp trên khắp Đảo quốc nhằm hoàn thiện trải nghiệm sống và du lịch của người dân bản địa và du khách quốc tế…
Một số dự án nổi bật gồm cải cách thủ tục nhập cảnh, xây dựng khu tổ hợp giải trí, phong cách sống sôi động, hay mở cửa các điểm đến hấp dẫn kết hợp giữa công nghệ và trải nghiệm tham quan khám phá. Hướng đến mục tiêu hồi phục hoàn toàn ngành du lịch vào năm 2024, Singapore rất chú trọng đẩy mạnh phát triển nền tảng công nghệ.
Theo ông Mayank Dayal, nhà khoa học dữ liệu và quản trị máy học tại ngân hàng DBS, công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập một lượng lớn thông tin. Thông qua dữ liệu khai thác được, đội ngũ IT có thể tạo ra các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao trải nghiệm tổng thể cho khách du lịch, cũng như tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp và định hình các mô hình kinh doanh mới trong ngành du lịch Singapore.
Vị này cho rằng có 8 loại hình có thể áp dụng công nghệ trong ngành du lịch. Đó là: Đặt vé, phòng khách sạn trực tuyến; Đề xuất được cá nhân hóa; Ứng dụng di động; Phần mềm dịch thuật tự động; Bản đồ kỹ thuật số và GPS; Giải pháp thanh toán kỹ thuật số; Bảo mật nâng cao và Giải quyết khủng hoảng du lịch.
Tờ Straits Times cho biết, năm 2022, Ủy ban Du lịch Singapore (STB) tđã ích hợp 8 tính năng này vào chung một ứng dụng, mang tên Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Du lịch (TIH - Tourism Information & Service Hub). Theo trang web chính thức của TIH, đây là nền tảng tài nguyên kỹ thuật số một cửa giúp các doanh nghiệp lữ hành tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc bằng cách cung cấp nội dung cập nhật về các sản phẩm, dịch vụ phần mềm du lịch.
Các doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm nội dung ứng với nhu cầu tiếp thị và đổi mới của doanh nghiệp thông qua API (giao diện lập trình ứng dụng). Người dùng cũng có thể kết nối với các doanh nghiệp du lịch để hợp tác. Nền tảng hỗ trợ dịch thuật 4 thứ tiếng: Anh, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, TIH còn hỗ trợ hiển thị sản phẩm, điểm đến theo dạng 3D, giúp doanh nghiệp/dự án tiết kiệm chi phí xây dựng môi trường thực tế ảo mở rộng (XR).
Cũng nhờ sự trợ giúp của công nghệ, trong tương lai, việc di chuyển, giao thông tại Singapore sẽ trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với hành khách từ khu vực Đông Nam Á khi sân bay Changi đang xem xét việc cắt giảm các khoản phí hàng không. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại trong khu vực và gia tăng sức hấp dẫn của Changi như một cửa ngõ hàng không quốc tế lý tưởng, qua đó mang lại trải nghiệm hoàn thiện hơn cho hành khách, bao gồm cả du khách Việt Nam.
Đặc biệt, Cơ quan Xuất Nhập cảnh Singapore (ICA) chuẩn bị vận hành các cửa nhập cảnh tự động cho tất cả hành khách. Động thái này là một phần trong kế hoạch lắp đặt khoảng 800 cửa nhập cảnh tự động (Automated Border Control System - ABCS), nhằm đơn giản hóa quy trình và mang lại trải nghiệm nhập cảnh liền mạch, hiệu quả, không cần trình diện hộ chiếu khi đến Singapore.
Năm 2023, sân bay Changi đã phát triển vô cùng mạnh mẽ khi ghi nhận 58,9 triệu lượt khách, qua đó chạm ngưỡng 86% so với trước đại dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng vượt hơn năm trước đến 83%. Sự phát triển này khẳng định vai trò của sân bay Changi như một trung tâm giao thương quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, nếu tính theo lưu lượng hành khách, thị trường Việt Nam xếp thứ 9 trong top 10 thị trường của sân bay quốc tế này.
Hơn nữa, sân bay Changi cũng vừa ghi tên trên “bảng vàng” những sân bay sang trọng nhất trên thế giới với vị trí thứ 5. Sự công nhận này đến từ báo cáo của AllClear, tập trung vào các tiêu chí đánh giá chất lượng tiện nghi xa xỉ tại sân bay, từ các phòng chờ thương gia độc quyền, các mô hình bán lẻ cao cấp đến vị trí thuận tiện gần với các cơ sở lưu trú sang trọng. Có thể nói, thành tích này tiếp tục củng cố uy tín của sân bay Changi về chất lượng dịch vụ xuất sắc.
Trước đó, Singapore cũng đã bắt đầu triển khai quy trình thông quan dựa trên mã QR tại các trạm kiểm soát đường bộ dành cho du khách đến và rời nước này bằng ô tô, nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại biên giới với Malaysia, một trong những cửa khẩu có mật độ giao thông cao nhất thế giới. Theo đó, thay vì xuất trình hộ chiếu tại quầy xuất nhập cảnh, du khách có thể quét mã QR hiển thị trên điện thoại thông minh tại hai trạm kiểm soát trên bộ của Singapore kết nối với bang Johor ở phía nam Malaysia.
Với hệ thống quét mã QR mới áp dụng, thủ tục nhập cảnh chỉ mất có 20 giây. Hành khách quét mã QR tại trạm kiểm soát ở Singapore và sau đó nhân viên nhập cảnh chỉ việc kiểm tra khuôn mặt của hành khách để xác nhận lại. Một mã QR có thể áp dụng cho từng khách lẻ hoặc nhóm khách tối đa 10 người di chuyển trên cùng 1 phương tiện. Cục Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) dự kiến tổng thời gian xử lý thủ tục xuất nhập cảnh sẽ giảm hơn 30% nếu đa phần du khách sử dụng hệ thống mới, tiết kiệm thời gian khoảng 20 giây cho xe chở 4 khách và khoảng một phút cho xe chở 10 khách.
Tính đến 24/3/2024, tổng lượng khách quốc tế đến Singapore (IVA) đạt 4.35 triệu lượt, với khoảng 93,060 lượt khách đến từ Việt Nam. Chính sách miễn thị thực, tập trung quảng bá là điểm đến an toàn, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - giải trí độc đáo đã giúp Singapore hưởng lợi từ thị trường khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc.
Nhóm du khách đến từ đất nước tỷ dân được đánh giá "chi tiêu nhiều" bất chấp nền kinh tế trong nước ảm đạm và tâm lý tiêu dùng của người dân yếu hơn trước dịch. Dữ liệu từ Trip.com cho thấy chi phí trung bình mỗi lần đến Singapore của người dân Trung Quốc tăng 30% so với năm 2023.
Singapore cũng đang triển khai các hoạt động hút giới trẻ Trung Quốc. Yu Peixin, sinh viên 20 tuổi của Đại học Khoa học Công nghệ Thượng Hải, đã đến xem buổi biểu diễn cuối cùng trong 6 đêm hòa nhạc của Taylor Swift ở Singapore hồi đầu tháng 3. Yu chi hơn 4.000 tệ (556 USD) cho chuyến bay, đắt gấp đôi giá thông thường. Có vẻ như, khó khăn kinh tế, giá vé đắt không ngăn cản nhu cầu đến Singapore du lịch của Gen Z Trung Quốc.