Vaccine cúm được tạo ra từ AI bằng cách nào?
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Flinder (Úc) đã phát triển một loại vaccine mới được cho là loại thuốc đầu tiên trên thế giới được thiết kế hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Nikolai Petrovsky, người đứng đầu nghiên cứu cho biết đây lần đầu tiên trên thế giới một vaccine cúm được phát triển nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đã có những thực nghiệm trên người. Thời gian sản xuất vaccine nhờ vậy giảm còn 2 năm. Thông thường để tạo ra vaccine, các nhà sản xuất chọn lọc hàng triệu dược chất, tiến hành trong vòng 5 năm, tốn hàng trăm triệu USD cho một dự án.AI sử dụng bộ não nhân tạo, bắt chước não người, nhận các mẫu và thay đổi tương thích, đồng thời thu thập và xử lý nhiều thông tin hơn nhiều não người. Trước tiên, các nhà khoa học cung cấp thông tin để trí tuệ nhân tạo nhận biết tất cả hợp chất có thể kích hoạt hệ miễn dịch của con người và những hợp chất không làm được việc này. Nhiệm vụ của trí tuệ nhân tạo là tự bản thân nó phân biệt được loại thuốc nào có hiệu quả trị bệnh và thuốc nào không. Chương trình trí tuệ nhân tạo này có tên là SAM.


GS Brendan Murphy, một trong những chuyên gia y học hàng đầu của Úc, cho biết ông không biết nhiều về chương trình của đại học Flinders, nhưng ông chào đón tiến bộ này. Ông nói: "Điều chế vaccine rất phức tạp, cần đến sự giúp sức của công nghệ thông tin và AI. Do vậy, nhìn chung đây là một lĩnh vực nghiên cứu rất hứa hẹn, nhất là khi nghiên cứu xuất hiện cùng lúc với số lượng lớn các trường hợp liên quan đến cúm ở Úc". Thự tế là, trước tháng 6 năm 2019, đã có 228 người đã chết vì các biến chứng liên quan đến cúm, bao gồm 57 người ở New South Wales và 48 người ở Victoria.
Nhóm nghiên cứu hy vọng loại vaccine này sẽ chứng minh được hiệu quả hơn so với các loại vaccine hiện có và sẽ được thương mại hóa từ năm 2022, góp phần đẩy lùi căn bệnh cúm, nhất là cúm theo mùa.

(Theo NBC News)