Vẫn còn dư địa thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong quý 3?
VDSC cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái...
Chứng khoán Rồng Việt - VDSC vừa có báo cáo cập nhật triển vọng thị trường tiền tệ với điểm nhấn các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 100 điểm cơ bản so với hồi đầu năm.
Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.
Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan toả tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay.
Trước đó, ngày 24/05 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, tiếp nối sau chỉ đạo của Chính phủ sau phiên họp thường kỳ tháng 04. Đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ ba liên tiếp chỉ trong vòng hơn hai tháng với động cơ chính đằng sau là tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang rất yếu.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 13,0%, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3%.
Riêng tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 16,2%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 11,5% (thấp hơn mức tăng của tháng 3, riêng bán lẻ hàng hoá chỉ tăng 9,7%). Rủi ro suy giảm sản xuất và xuất khẩu tiếp diễn khi PMI tháng 4/2023 giảm chỉ còn 46,7 điểm.
Ngoài ra, một số điểm thuận lợi cho quyết định của Ngân hàng Nhà nước khi lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã kết thúc.
Tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng của các Ngân hàng TMCP Nhà nước và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất nên lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 20-50 điểm cơ bản. Mặt khác, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành là không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.