16:15 25/04/2022

Vẫn thiếu lao động, doanh nghiệp xoay xở đủ đường

Phúc Minh

Trong quý 1/2022 đã xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%. Doanh nghiệp phải tìm mọi cách để có lao động cũng như mở rộng nhiều kênh tuyển dụng khác nhau…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mặc dù trong quý 1/2022, dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực tới hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên, nhưng thị trường lao động đã có những tín hiệu khởi sắc.

THIẾU HỤT LAO ĐỘNG CỤC BỘ TẠI MỘT SỐ ĐỊA BÀN  

Báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so năm 2019, 2020. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).

Tuy nhiên, trong quý 1/2022 đã xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Nhiều doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự này. Bà Lê Thị Hoài, chuyên viên tuyển dụng Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, cho biết do yêu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh và thay thế cho các nhân sự đã chuyển công tác, đơn vị này đang cần tuyển từ 50 - 70 chuyên viên xử lý tín dụng thị trường tại các tỉnh, thành phố, riêng tại địa bàn Hà Nội cần tuyển 30 chỉ tiêu làm việc tại văn phòng và 20 vị trí làm việc tại hiện trường.

Do thiếu hụt nhân sự, doanh nghiệp yêu cầu các vị trí cần trình độ chỉ từ cao đẳng trở lên, thậm chí tốt nghiệp trung học phổ thông với các chỉ tiêu chuyên viên thị trường, bởi doanh nghiệp sẽ có bộ phận đào tạo cho các ứng viên.

“Với các vị trí cấp quản lý từ trưởng phòng trở lên, việc tuyển dụng còn khó khăn hơn, quản lý thị trường chúng tôi thường phải tuyển từ các ngành nghề tương tự như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, ngành tiêu dùng nhanh”, bà Hoài cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Tạ Đức Cảnh, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Kỹ thuật Sigma, trong quý 2/2022 đơn vị này cần tuyển dụng từ 200 – 400 công nhân kỹ thuật cơ điện để thi công các hệ thống điện nước, điều hòa thông gió, phòng cháy chữa cháy trong các công trình, song việc tuyển dụng các lao động kỹ thuật, đặc biệt là công nhân có tay nghề rất khó khăn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đưa ra các chế độ về lương lưởng rất cạnh tranh để thu hút lao động.

Đánh giá về tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều lao động đã chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc hoặc đã chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, người lao động chưa được đào tạo để đáp ứng được tiêu chí mới của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số.

Doanh nghiệp tìm đến các phiên việc làm online kết nối liên tỉnh để tuyển lao động. Ảnh - Nhật Dương. 
Doanh nghiệp tìm đến các phiên việc làm online kết nối liên tỉnh để tuyển lao động. Ảnh - Nhật Dương. 

Ngoài ra, các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng cao, trong khi lương của người lao động thấp; công tác thông tin, kết nối cung - cầu lao động, dự báo tình hình thị trường lao động còn hạn chế…

Mặt khác, do nhu cầu chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng đơn hàng đang tăng lên, khiến tình trạng thiếu lao động kỹ năng càng rõ rệt.

ĐA DẠNG KÊNH TUYỂN DỤNG, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn có những tác động tiêu cực đến thị trường lao động, sẽ còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong bối cảnh để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới, cơ quan này đề xuất chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; tổ chức kết nối cung – cầu lao động…

Từ thực tế doanh nghiệp, bà Lê Thị Hoài (Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) cho biết doanh nghiệp phải xoay sở để tìm kiếm lao động qua nhiều kênh tuyển dụng khác nhau như các trang mạng xã hội facebook, zalo, các trang web tuyển dụng không mất phí cũng như có trả phí. Đồng thời, từ nguồn sinh viên đã tốt nghiệp của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tại các tỉnh, thành phố…

Tương tự tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Sigma, ông Tạ Đức Cảnh cho biết hiện nay doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng qua nhiều nguồn, trong đó có hai nguồn chính là sinh viên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các tỉnh, thành phố; đăng tin ở các trang tuyển dụng, diễn đàn, hội nhóm để tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm.

“Hiện chúng tôi cũng đang tìm hiểu kênh tìm kiếm lao động qua các công ty cung ứng nhân lực, những đơn vị này sẽ tuyển dụng lao động và giới thiệu lại cho chúng tôi với mức phí từ 1 – 1,5 triệu đồng một ứng viên”, ông Cảnh nói và thông tin thêm, đơn vị này cũng đang áp dụng việc thưởng tiền cho người giới thiệu được lao động đáp ứng yêu cầu với mức từ 500.000 đồng/ứng viên nếu thành công.