Vàng, dầu nhùng nhằng tăng, giảm
Sáng nay (24/1), giá vàng trong nước tiếp tục tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Giá vàng thế giới sau khi giảm khá mạnh đã tăng trở lại
Vàng miếng SJC loại 1 cây tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM hôm nay tăng thêm 5.000 đồng/chỉ và 2.000/đồng chỉ so với sáng qua, lên mức 1.718.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.725.000 đồng/chỉ (bán ra).
Lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm qua tại thị trường New York, giá vàng giao kỳ hạn tháng 2/2008 chốt lại ở mức 883,10 USD/oz, giảm 7,20 USD/oz, tương đương 0,8% so với phiên trước. Giá vàng giao ngay cũng giảm 5 USD/oz, tương đương 0,56%, còn 885,50 lúc đóng cửa.
Tuy nhiên, sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng kỳ hạn thế giới lại tăng khá mạnh và hiện đã lên tới 892,10 USD/oz, thêm 9 USD/oz so với phiên hôm qua. Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á cũng hồi phục với mức tăng 6 USD/oz, lên 891,5 USD/oz.
Tác động hai chiều của nguy cơ suy thoái
Giá vàng thế giới giảm mạnh ngày hôm qua là do những lo ngại về việc nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, mà đi đầu là kinh tế Mỹ, sẽ kéo nhu cầu đối với các kim loại quý hiếm xuống thấp. Theo một số nhà phân tích, kinh tế suy thoái là yếu tố bất lợi cho giá vàng và có thể tình hình hiện nay đang thúc đẩy giới đầu tư bán ra.
Trong trường hợp kinh tế suy thoái, tốc độ lạm phát chưa chắc đã cao, trừ phi xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation), trong đó tăng trưởng kinh tế chậm chạp, lạm phát và thất nghiệp cùng cao. Thêm vào đó, kinh tế suy thoái cũng khiến nhu cầu vàng cho trang sức giảm xuống. Lượng vàng sử dụng cho trang sức hiện chiếm 60% nhu cầu vàng thế giới.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Jean-Claude Trichet, hôm qua đưa ra những dấu hiệu cho thấy, ngân hàng này có thể sẽ phải sớm cắt giảm lãi suất đồng Euro. Trước đây, ECB vẫn tập trung vào mục tiêu chống lạm phát nhưng hiện nay, trước những dấu hiệu đi xuống của kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế châu Âu không phải là ngoại lệ, đã khiến ngân hàng này phải cân nhắc lại ưu tiên.
Sau phát biểu của ông Trichet, chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh và kết thúc ngày giao dịch toàn màu đỏ vì giới đầu tư cho rằng, đó là dấu hiệu u ám của kinh tế khu vực. Tuy nhiên, tại thị trường chứng khoán Mỹ, xem ra “liều thuốc” cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát huy tác dụng khi các chỉ số đồng loạt tăng mạnh, nối tiếp phiên hứng khởi của thị trường châu Á.
Giới chuyên môn nhận định, nếu chứng khoán thế giới lại quay đầu đi xuống, giá vàng sẽ càng bất lợi vì các nhà đầu tư sẽ cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới hành động chưa đủ hiệu quả để kéo nền kinh tế khỏi bờ vực suy thoái.
Phát biểu của ông Trichet cũng làm cho USD phục hồi, đẩy giá vàng xuống. Sáng nay tại thị trường châu Á, 1 Euro đổi được 1,4616 USD, so với mức 1 Euro ăn 1,4629 USD ngày hôm qua.
Tuy nhiên, nếu dự báo FED sẽ tiếp tục cắt giảm USD trong cuộc họp cuối tháng này trở thành hiện thực, giá vàng sẽ lại được nâng đỡ mạnh mẽ vì áp lực lạm phát lên cao và USD mất giá, bù đắp cho những tác động tiêu cực của suy thoái đối với giá vàng.
Suy thoái kinh tế còn tác động đến giá vàng theo một hướng khác, đó là nó cũng có tác động đẩy giá vàng lên vì vàng là mặt hàng lưu trữ an toàn được giới đầu tư ưa thích trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Điều này có thể giải thích cho xu thế nhùng nhằng giữa tăng và giảm của giá vàng trong những ngày qua.
Thời gian gần đây, giá vàng chịu tác động tổng hợp của rất nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh tế, tình hình thị trường chứng khoán và giá USD. Niềm tin của giới đầu tư đã bị thử thách mạnh mẽ trong những ngày qua, nhưng ngưỡng 850 USD/oz vẫn chưa bị phá vỡ vì vàng, hơn hết, vẫn được coi là mặt hàng đầu tư an toàn.
Sáng nay giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại do thị trường chứng khoán Mỹ ngày hôm qua có một phiên hồi phục ngoạn mục, các chỉ số chủ chốt cùng tăng điểm ở mức cao, kết thúc một thời kỳ điều chỉnh dài. Thị trường chứng khoán châu Á sáng nay cũng tiếp tục được bao phủ bởi màu xanh.
Đây là kết quả của dự báo FED sẽ còn cắt giảm lãi suất và có nguồn tin cho biết, chính quyền bang New York sẽ đàm phán với các ngân hàng về một kế hoạch hỗ trợ các hãng bảo hiểm trái phiếu của Mỹ. Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin kinh tế Trung Quốc đã tăng trường 11,2% trong quý 4 năm ngoái, so với mức 11,5% trong quý 3. Điều này đồng nghĩa với việc, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và có thể góp phần bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ.
Giá dầu “lờ đờ”
Cũng giống như giá vàng, giá dầu trong những ngày gần đây chịu tác động mạnh từ thị trường chứng khoán thế giới.
Ngày hôm qua, tâm trạng còn chưa hết bi quan trước những phiên mất điểm của chứng khoán Mỹ và lo ngại về nguy cơ suy thoái cận kề đầu tàu kinh tế thế giới đã đẩy giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York xuống ngưỡng 86,99 USD/thùng, giảm 2,22 USD/thùng, tức 2,5% so với phiên trước. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu trong 3 tháng qua.
Tại London, giá dầu thô Brent sụt mất 1,83 USD/thùng, tương đương 2,1%, đóng cửa ở mức 86,62 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 24/10 năm ngoái.
Sáng nay, giá dầu tại thế giới đã tăng trở lại, sau phiên hồi phục rất đẹp của chứng khoán Mỹ và phiên tăng điểm tiếp theo trên thị trường châu Á. Dầu thô ngọt nhẹ hiện đã xấp xỉ 88 USD/thùng, còn dầu thô Brent cũng đã ở trên 87 USD/thùng.
Giới phân tích dự báo, nếu dự trữ xăng dầu của Mỹ trong tuần qua không biến động quá mạnh, dầu giữ được ngưỡng 86 USD/thùng và chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng, giá dầu sẽ lên mức 94 – 95 USD/thùng.
(Theo Bloomberg)