Vàng giảm giá đầu tuần, “cửa” tăng sáng lên do căng thẳng Nga-Ukraine
Nhiều chuyên gia cho rằng “cửa” tăng của giá kim loại quý này đang được cải thiện do nhu cầu phòng ngừa rủi ro...
Giá vàng thế giới bắt đầu tuần giao dịch mới trong xu thế giảm, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (14/2) có nơi giảm theo, nhưng cũng có nơi đi ngang hoặc tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng “cửa” tăng của giá kim loại quý này đang được cải thiện do nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu bất an vì căng thẳng Nga-Ukraine và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 62,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,7 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,4 triệu đồng/lượng và 54,1 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 62 triệu đồng/lượng và 62,7 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 100.000 đồng/lượng và đi ngang so với cuối tuần.
Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng miếng tiếp tục rút ngắn sau khi lên tới 1,7 triệu đồng/lượng trong dịp Thần Tài. Sáng nay, các doanh nghiệp kim hoàn lớn đang để khoảng cách giữa hai đầu giá phổ biến ở mức 500.000-700.000 đồng/lượng đối với vàng miếng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 11,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.855,2 USD/oz, giảm 4,8 USD/oz so với đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương 51 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Tuần trước, giá vàng thế giới tăng hơn 2% khi tâm lý lo sợ rủi ro phủ bóng lên thị trường tài chính Mỹ. Ngoài mối lo Fed nâng lãi suất mạnh tay, thị trường còn chao đảo trong phiên giao dịch cuối của tuần do thông tin về khả năng Nga sớm có hành động quân sự với Ukraine.
“Biểu đồ giá vàng đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Nguyên nhân trực tiếp là dữ liệu lạm phát nóng. Fed đang khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn. Có vẻ như họ đang loay hoay khắc phục sai lầm chính sách. Và vàng hưởng lợi từ nỗi sợ đó”, chuyên gia Everett Millman của Gainesville phát biểu.
Nói về việc Fed có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, ông Millman phát biểu: “Phản ứng ban đầu của thị trường có thể là một đợt bán tháo vàng. Nhưng nhìn chung, sự bắt đầu của một chu kỳ tăng lãi suất sẽ có lợi cho vàng. Theo kinh nghiệm lịch sử, lần nào Fed bắt đầu nâng lãi suất mà đã có tín hiệu từ trước, giá vàng cũng hưởng lợi”.
Chiến lược gia Frank Cholly của RJO Futures nhận định giá vàng có thể tăng lên vùng 1.900 USD/oz vào giữa năm nay.
Một tâm điểm chú ý của giới đầu tư vàng trong tuần này là biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư. Biên bản này sẽ mang lại một cái nhìn sâu hơn về quan điểm của các quan chức Fed về chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ theo sát mọi diễn biến về căng thẳng Nga-Ukraine. Hôm thứ Sáu, thị trường có thêm một phiên hoảng loạn khi Nhà Trắng cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine ngay trong lúc đang diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Cả Mỹ và Anh đều kêu gọi công dân của nước mình rời khỏi Ukraine sớm nhất có thể.
“Tôi cho rằng Fed sẽ khiến thị trường cảm thấy bất an, và câu chuyện Ukraine sẽ bổ sung thêm cho sự bất an đó”, Giám đốc đầu tư (CIO) Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định.
Khi thị trường tài chính lo sợ, vàng luôn là một “hầm trú ẩn” được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh mốc 96,1 điểm, giảm nhẹ so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.530 đồng (mua vào) và 23.570 đồng (bán ra). Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.540 đồng và 22.820 đồng, tương ứng giá mua và bán.