Vàng thế giới sụt giá, trong nước “cố thủ” mốc 67 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới giảm khá mạnh trong phiên ngày thứ Năm (6/4) nhưng duy trì được mốc 2.000 USD/oz. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (7/4) giảm nhẹ, tiếp tục bám mốc 67 triệu đồng/lượng...
Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 12,4 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,6%, còn 2.008,6 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco. Đây là phiên giao dịch cuối của thị trường tài chính Mỹ trong tuần này, vì các sàn giao dịch sẽ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday vào ngày thứ Sáu.
Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 3 vào ngày thứ Sáu. Một con số việc làm mới có sự chênh lệch lớn so với dự báo sẽ gây biến động kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ đó tác động tới giá các tài sản trong đó có vàng.
Loạt số liệu kinh tế công bố trong tuần này cho thấy thị trường việc làm và nền kinh tế Mỹ đang yếu đi, củng cố kỳ vọng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất, thậm chí giảm lãi suất trong năm nay.
Ngày thứ Năm, báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua lớn hơn dự báo. Thống kê này bổ sung vào những dấu hiệu gần đây cho thấy tăng trưởng việc làm đang chậm lại.
Một báo cáo trước đó trong tuần của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số lượng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân ở Mỹ trong tháng 3 không đạt kỳ vọng. Một báo cáo nữa của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm cần tuyển dụng ở nước này trong tháng 2 giảm dưới 10 triệu lần đầu tiên trong khoảng 2 năm. Ngoài ra, số lượng việc làm bị cắt giảm từ đầu năm đến nay tăng gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ vọng lãi suất giảm tạo ra môi trường có lợi cho giá vàng, vì vàng là tài sản không mang lãi suất. Mức đỉnh của giá vàng trong tuần này cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Cả tuần, giá vàng tăng hơn 2%.
Ngoài những dấu hiệu suy yếu của kinh tế Mỹ, giá vàng tuần này còn hưởng lợi từ việc nhóm OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Động thái này của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga đã đẩy giá dầu tăng mạnh, gia tăng áp lực lạm phát. Điều này khiến sức hấp dẫn của vàng tăng vì vàng là tài sản chống lạm phát hàng đầu.
Fed đang ở vào “thế bí” vì lãi suất tăng cao hơn có thể gây suy thoái, mà việc dừng thắt chặt lại tạo điều kiện để lạm phát bám dễ sâu - cả hai kịch bản đều có lợi cho vàng, theo chiến lược gia Paul Wong của Sprott.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho giá vàng trong tuần này là tỷ giá đồng USD dao động ở mức thấp nhất 2 tháng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống đáy 7 tháng. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức 101,8 điểm, đã giảm gần 1,6% từ đầu năm.
Phát biểu ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói Fed nên giữ vững việc tăng lãi suất để chống lạm phát trong lúc thị trường việc làm còn thắt chặt.
Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nói nếu có thêm những dữ liệu củng cố khả năng Fed giảm lãi suất, giá vàng sẽ duy trì trên mức 2.000 USD/oz và có thể lập đỉnh cao mọi thời đại mới.
Trong nước lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,5 triệu đồng/lượng và 56,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank sáng nay là 23.280 đồng (mua vào) và 23.620 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.
Với tỷ giá USD bán ra này, giá vàng thế giới tương đương 57,2 triệu đồng/lượng, giảm 100,000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 9,8 triệu đồng/lượng.