10:25 16/10/2024

VEPR: Quý 4 bứt tốc, tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể về đích đúng hẹn

Ngọc Lan - Phương Hoa

Để quý 4/2024 bứt tốc, các chuyên gia cho rằng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau bão Yagi cần được triển khai rất nhanh, tính bằng ngày thì tăng trưởng GDP quý 4/2024 mới đạt 7,4%, từ đó tăng trưởng GDP cả năm có thể cán đích 7% như Chính phủ đề ra...

Nhắc lại những thiệt hại nghiêm trọng mà siêu bão Yagi vừa gây ra đối với các tỉnh miền Bắc tại tọa đàm Đối thoại chính sách: "Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 15/10, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cơn bão không tác động ngay tới tăng trưởng quý 3/2024 mà sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng những quý sau, trước mắt là trong quý 4/2024. 

"Do đó, cần phải triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi rất nhanh, tính bằng ngày thì mới có được mức tăng trưởng cao trong quý 4/2024 và từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 7%...", TS. Hiếu lưu ý.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHIỀU ĐIỂM SÁNG 

Nhìn lại tăng trưởng quý 3/2024 - thời điểm bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, cho biết kết thúc quý 3/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025.

Cụ thể, tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”.
Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”.

Ở phía tổng cung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm ngoái từ 3,43% xuống còn 3,2%. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,32% so với cùng kỳ, nhờ sự hồi sinh của du lịch và các ngành thương mại, vận tải duy trì được đà tăng trưởng.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với mức tăng 2,41% cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính.

"Đáng chú ý, xuất nhập khẩu hàng hóa vượt xa kỳ vọng, với tổng kim ngạch đạt 578,5 tỷ USD, tăng mạnh 16,3% so với cùng kỳ, và xuất siêu đạt mức 20,8 tỷ USD. Có thể đánh giá, đây là một thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2020-2024", ông Việt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.

Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với 9 tháng năm 2023. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tính chung trong 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19.

Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.

2 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM 2024

Mặc dù nhiều điểm sáng tích cực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách lưu ý vẫn còn có những rủi ro và thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Dự báo tăng trưởng GDP của các tổ chức qua các năm và 2 kịch bản tăng trưởng dự báo của VEPR.
Dự báo tăng trưởng GDP của các tổ chức qua các năm và 2 kịch bản tăng trưởng dự báo của VEPR.

Theo đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Việt nhận định thêm rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn là động lực chính của tăng trưởng tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại trong quý 3/2024.

"Theo đó, cần nghiên cứu kỹ các dòng chảy dòng vốn FDI trên thế giới nói chung và vào Việt Nam nói riêng để có chính sách đối ứng trong thời gian tới", Phó Viện trưởng VEPR chia sẻ.

Nhìn xa hơn, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất yếu hơn so với kỳ vọng của Mỹ, sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ở châu Âu và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể gây gián đoạn cho quá trình phục hồi xuất khẩu và làm suy yếu tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.

"Việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa động lực xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững lại được đặt ra một cách cấp thiết trong bối cảnh đó," ông Việt lưu ý.

Trong khi đó, các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như tình thế khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt một số tiến bộ nhưng vẫn chậm chạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh, làm nản lòng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại toạ đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chia sẻ rằng tăng trưởng trong quý 3 vẫn dựa vào xuất khẩu nhờ bàn tay của doanh nghiệp FDI, trong khi động lực từ tiêu dùng trong nước và đầu tư chưa được tăng nhiều do ảnh hưởng của thời Covid tới giờ.

Bên cạnh đó, theo bà Lan, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đã cản trở nỗ lực của quốc gia trong việc trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa, tạo ra cái mà nhiều người quan ngại gần đây là hai nền kinh tế song song tồn tại.

Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.

"Nếu năm nay không đạt được mục tiêu phát triển tốt thì ảnh hưởng tới những năm sau," bà Lan nhấn mạnh. "Thành tựu quý 3 năm nay tạo cho chúng ta niềm tin cho phục hồi và phát triển tiếp cho những năm tới."

Đáng chú ý, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng ý rằng các thách thức trong những tháng cuối năm 2024 vẫn rất lớn. Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ sau bão là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý 4/2024 sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024.

Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý 4 sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.