15:45 10/04/2023

Vì sao Bộ Giao thông vận tải bác bỏ đề xuất giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh chuyến bay nội địa năm 2023?

Ánh Tuyết

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023 là chưa đủ cơ sở. Bởi thị trường vận tải nội địa tiếp đà phục hồi tốt; đồng thời, nguồn thu từ dịch vụ cất, hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không hiện rất hạn chế...

Thị trường vận tải hàng không nội địa đã và đang tiếp đà phục hồi, thậm chí vượt giai đoạn trước dịch Covid-19.
Thị trường vận tải hàng không nội địa đã và đang tiếp đà phục hồi, thậm chí vượt giai đoạn trước dịch Covid-19.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Thông báo số 106/TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về kiến nghị giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa năm 2023.

NGUỒN THU TỪ DỊCH VỤ CẤT, HẠ CÁNH HẠN CHẾ

Sau khi nghe báo cáo của Vụ Vận tải và ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham gia cuộc họp, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thống nhất với ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham dự cuộc họp việc xem xét giảm giá dịch vụ cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023 là chưa đủ cơ sở.

Dẫn chứng dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển nội địa năm 2023 dự kiến đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Như vậy, Bộ Giao thông vận tải khẳng định thị trường vận tải nội địa đã và đang phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.

 

"Nguồn thu từ dịch vụ cất, hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Nguồn thu hiện nay còn đang hạn chế, cần cân đối để bố trí cho công tác sửa chữa, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các sân bay đảm bảo khai thác an toàn, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận.

Do đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đánh giá lại hiện trạng khu bay tại các sân bay để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo trì cho phù hợp; đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quyết định của pháp luật.

Trước đó, một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay được theo hướng giảm giá nhiều dịch vụ chuyên ngành nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí cho các hãng hàng không, hỗ trợ các hãng bay trong giai đoạn phục hồi.

Theo đó, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từng được áp dụng bằng 50% mức quy định.

Theo Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, mức giá dịch vụ cất, hạ cánh các chuyến bay nội địa trong khung giờ bình thường dao động từ 765.000 đồng đến hơn 11,6 triệu đồng, tùy tải trọng cất cánh của từng loại máy bay.

Trong khung giờ cao điểm, mức giá này sẽ bằng 115% mức giá bình thường, trong giờ thấp điểm thu bằng 85% mức giá bình thường.

RỘN RÀNG TĂNG CHUYẾN, HÀNG KHÔNG NỘI ĐỊA TIẾP ĐÀ PHỤC HỒI

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cao điểm dịp lễ 30/4 -1/5 và hè 2023 tới đây, nhiều hãng hàng không đua nhau tăng chuyến và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Chẳng hạn, hãng hàng không Vietnam Airlines và VASCO cho biết sẽ cung ứng gần 551.000 chỗ tương đương gần 2.800 chuyến bay trên các đường bay nội địa trong thời gian từ 26/4 đến 5/5, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. 

Các chuyến bay được Vietnam Airlines tập trung tăng cường tại những đường bay nội địa hấp dẫn nhất như trục Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và các đường bay nối với nhiều khu du lịch nổi tiếng như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc…

Vietjet Air thông báo tăng 152 chuyến bay mỗi ngày, cung cấp 27.600 chỗ cho hành khách đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Đồng Hới...

Theo ghi nhận thời điểm hiện tại, nhiều chuyến bay dịp lễ gần như kín chỗ, chủ yếu vào các ngày 29/4 và 2/5. Ngoài ra, trong các ngày lân cận, các chuyến bay cũng được đặt 60-70% số ghế. 

Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tăng thêm 26 slot (lượt cất - hạ cánh) mỗi ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 và cao điểm hè 2023 để các hãng có thể cung ứng thêm 4.500 - 5.000 vé máy bay (ngày) từ ngày 1/6 đến 15/8. Quyết định này được ban hành sau cuộc họp về tăng slot tại sân bay Tân Sơn Nhất với sự tham gia của các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và dịch vụ điều hành bay.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không điều hành chuyến bay đúng giờ, hạn chế tình trạng chậm chuyến; các đơn vị cung cấp dịch vụ cần xây dựng kế hoạch phục vụ chuyến bay trong giai đoạn cao điểm.

Trước đó, Cục Hàng không ban hành chỉ thị tuân thủ các quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Để đảm bảo quyền lợi của hành khách đi máy bay, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 và cao điểm hè 2023, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm việc niêm yết; công bố công khai giá bán theo quy định trên các kênh phân phối; có chế tài đối với các đại lý không thực hiện đúng quy định về giá vé nội địa.

Cục Hàng không cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát công tác bán vé của hãng, đảm bảo triển khai bán vé theo đúng mức giá kê khai, không vượt giá trần quy định.