11:27 21/05/2022

Vì sao bóng đá cần sử dụng dữ liệu theo dõi GPS?

Đức Đàm

Sau khi ghi bàn thắng quyết định ở hiệp phụ trực tiếp giúp Việt Nam đánh bại Malaysia để vào chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31, Tiến Linh ăn mừng bằng cách cởi áo đấu, để lộ chiếc áo nửa thân dạng ba lỗ màu đen. Được biết, chiếc áo này có giá lên đến 50.000 USD...

Ngay lập tức, cộng đồng mạng bắt đầu tìm kiếm sản phẩm này và gán với cái tên "áo ngực Tiến Linh". Thực chất, đây là một loại áo vest công nghệ dùng trong thể thao có thiết kế hơi giống một chiếc áo tập nhưng chỉ dài nửa thân, trang bị này rất phổ biến với các đội tuyển, CLB bóng đá trên thế giới và được sử dụng cho đội tuyển Việt Nam từ giải King's Cup 2019.

Các câu lạc bộ bóng đá sử dụng dữ liệu theo dõi GPS để tối ưu hóa hiệu suất thể chất của cầu thủ và giảm thiểu nguy cơ chấn thương bằng cách kiểm soát mức độ căng thẳng của họ. Các nhà khoa học và huấn luyện viên thể thao chuyên dụng sử dụng số liệu thống kê để phân tích mức độ tập luyện ảnh hưởng như thế nào đến mỗi cá nhân, từ đó có thể thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng cầu thủ.

Guilherme Passos, nhà sinh lý học của đội tuyển quốc gia Brazil, nói rằng thiết bị theo dõi GPS là một bổ sung hữu ích cho kho “vũ khí” có sẵn cho đội ngũ phân tích đứng sau: “Nó tạo cơ hội để giám sát đội bóng một cách trực tiếp, thông qua chiếc iPad, và việc cung cấp phản hồi trực tiếp cho huấn luyện viên về cách diễn biến phiên tập sẽ dễ dàng hơn. Đây là một công cụ rất tốt để kiểm soát khối lượng tập luyện”.

Trang bị này rất phổ biến với các đội tuyển, CLB bóng đá trên thế giới.
Trang bị này rất phổ biến với các đội tuyển, CLB bóng đá trên thế giới.

Được biết đến nhiều hơn với tên "vest công nghệ", chiếc áo này có gắn chip GPS cùng thiết bị EPTS (hệ thống theo dõi và hiệu suất điện tử), công dụng chính để đo, thu thập, thống kê dữ liệu sinh học và hoạt động của cầu thủ trên sân. Mọi thông tin về quá trình chạy, quãng đường di chuyển, vị trí, gia tốc, nhịp tim, tình trạng sức khỏe theo thời gian thực... đều được ghi lại.

Các dữ liệu có được sẽ giúp ban huấn luyện đưa ra phương án tập luyện, thi đấu hợp lý cho từng cầu thủ, giúp họ sửa các lỗi di chuyển. Bên cạnh đó, những cầu thủ đang có thể trạng không tốt cũng được thể hiện trên dữ liệu, đóng góp thông tin quan trọng cho ban huấn luyện trong việc đưa ra những quyết định. Không chỉ mặc trong thi đấu chính thức, loại áo thông minh này cũng được dùng trong quá trình tập luyện. Áo thi đấu sẽ mỏng hơn áo tập để giúp cầu thủ mặc bên trong trang phục chính thức mà không gây ảnh hưởng tới hoạt động trên sân.

Sean O’Connor, đồng sáng lập của STATSports, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8/2020: “Mọi người có thể lấy dữ liệu đó trong các trận đấu và đưa ra quyết định… Đó cũng là nguồn thông tin giúp cầu thủ tạo dựng được một hồ sơ riêng cho bản thân. Bạn mong đợi một người chơi thực hiện X, Y, Z trong luyện tập. Nếu họ quá xa so với tiêu chuẩn đề ra, đó có thể là một tín hiệu xấu… Hoặc trong một buổi tập, chỉ còn 25 phút mà họ đã vượt qua những gì mình mong đợi, bạn có thể kêu gọi cầu thủ giảm bớt chế độ tập luyện hoặc cho nghỉ ngơi sớm”.

Marcelo Biesa, cựu huấn luyện viên của Leeds United, là một ví dụ về hình mẫu huấn luyện viên luôn phân tích sâu sắc khi ông còn dẫn dắt đội bóng này. Dữ liệu GPS thời gian thực cho ông những chỉ số cực kỳ chi tiết được truyền tải nhanh chóng đến máy tính xách tay, giúp đẩy nhanh quá trình phân tích và lựa chọn đội hình cũng như chiến thuật.

Được biết đến nhiều hơn với tên "vest công nghệ", chiếc áo này dùng để đo, thu thập, thống kê dữ liệu sinh học và hoạt động của cầu thủ trên sân.
Được biết đến nhiều hơn với tên "vest công nghệ", chiếc áo này dùng để đo, thu thập, thống kê dữ liệu sinh học và hoạt động của cầu thủ trên sân.

Bác sĩ thể thao Đồng Xuân Lâm, hiện đang công tác tại CLB Hoàng Anh Gia Lai chỉ ra một cách chi tiết hơn: “Bên trong chiếc áo mà Tiến Linh mặc sẽ có một thiết bị. Thiết bị này dùng để đo các chỉ số cho Tiến Linh hay những ai mặc chiếc áo đó, gồm: Đo nhịp tim, đo tổng quảng đường di chuyển trong một trận đấu của một cầu thủ, tốc độ nước rút, độ tiêu hao năng lượng… "

"Các chỉ số đo được từ thiết bị này sẽ liên tục truyền vào máy tính bảng của Huấn luyện viên (HLV) thể lực đang đặt trong cabin của sân vận động. Thông qua các chỉ số đó, HLV thể lực sẽ đánh giá được phong độ thi đấu của cầu thủ, tính toán thời gian thi đấu, độ tiêu thụ năng lượng…và nhiều tiêu chí khác của cầu thủ đó. Các kết quả này sẽ liên tục được báo cáo đến HLV trưởng, giúp HLV trưởng tính toán trong việc thay người, sắp xếp vị trí của các cầu thủ…,” bác sỹ Lâm nói thêm.

Cũng theo bác sĩ Đồng Xuân Lâm, thiết bị này được CLB Hoàng Anh Gia Lai nhập về Việt Nam từ rất sớm, khoảng năm 2014 với giá rất cao, khoảng 50.000 USD/bộ, bao gồm áo có gắn thiết bị, máy chủ, phần mềm. Thiết bị này có thể chỉ áp dụng cho một số cầu thủ trong đội hoặc cho toàn đội là tùy thuộc vào tính toán, quyết định của HLV thể lực.