16:59 01/12/2008

Vì sao doanh nghiệp “săn” quan chức nghỉ hưu?

Các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn đang sẵn sàng để mời bằng được các quan chức vừa nghỉ hưu làm việc cho họ

TS. Dương Thu Hương.
TS. Dương Thu Hương.
Các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn đang sẵn sàng để mời bằng được các quan chức vừa nghỉ hưu làm việc cho họ. Tại sao? Đằng sau những lời mời là gì?

Trao đổi với TS. Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, người từng giữ cương vị Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội…

Thời điểm tháng 7/2007, lúc bà chuẩn bị về hưu, phóng viên đến chào tạm biệt bà. Lúc đó căn phòng làm việc ở 37 Hùng Vương của bà khá bề bộn vì đồ đạc cần dọn dẹp trả phòng. Nhưng trên bàn bà là những lời mời của các tập đoàn tài chính, ngân hàng… với những hứa hẹn khá hấp dẫn…

Bạn nhớ dai thế! (Cười). Có khoảng chục lời mời từ các công ty tài chính, các ngân hàng… Nhưng nghĩ thương trường là chiến trường, mà tôi thì đã quá mệt mỏi rồi, nên chẳng muốn tham gia vào lĩnh vực đó nữa. Tôi thấy nghỉ ngơi là đúng nhất.

Nhưng nói thực, về nhà khá buồn, mà trước đây tôi đã có 20 năm làm nghề giảng dạy tại Học viện Ngân hàng, nên đi dạy cũng là một việc cần tính đến.

Trong thời điểm đó, Hiệp hội Ngân hàng, với 50 thành viên là các ngân hàng thương mại, có nhã ý mời tôi về làm Tổng thư ký. Thấy mình vẫn còn đam mê nên từ tháng 8/2007 tôi đã nhận lời.

Nếu thẳng thắn nhìn lại, bà thấy rằng, người ta mời bà vì kiến thức chuyên môn sâu của bà về tài chính - ngân hàng, thì ngoài ra họ còn có mối quan tâm nào khác nữa không?

Với riêng tôi, tôi cũng chẳng biết họ có ý đồ gì hay không, nhưng tôi có cảm giác họ cần một cán bộ như thế. Một dạng nhân lực được tôi luyện, có kinh nghiệm thực tế. Và tôi đã làm trên 40 năm kinh nghiệm, nên không khó để giải thích việc họ săn đón tôi. Nhưng nếu tôi nhận lời mời về các tập đoàn tài chính - ngân hàng, thì tôi cũng chỉ giúp họ khoảng 1 năm là tôi nghỉ.

Sau khi rời chức vụ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chắc những người là “lính” năm xưa của bà đã trưởng thành?

Tất nhiên. Các bạn mà ngày xưa là đồng nghiệp với tôi thì có bạn đã lên Phó thống đốc, có bạn lên Vụ trưởng, Vụ phó… Nhưng không phải vì thế mà mình có quyền đòi cái này, đòi cái kia. Tôi vẫn giữ một khoảng cách rất nguyên tắc.

Bà có nghĩ rằng, người ta thuê những quan chức nghỉ hưu là vì muốn tận dụng những mối quan hệ của họ?

(Cười) Cũng có thể. Hơn 40 năm làm việc ở Ngân hàng Nhà nước và ở Quốc hội, tất cả những mối quan hệ của tôi là mối quan hệ rất thân thiết, dễ thông cảm, dễ nói chuyện. Không cần phải căng thẳng, không cần phải câu nệ. Chỉ cần ới một tiếng là được giúp đỡ ngay.

Xin được hỏi thẳng, trong những lời mời mà bà nhận được, mức thu nhập cao nhất mà người ta trả cho bà một tháng (hoặc một năm) là bao nhiêu? Hoặc mức thu nhập của một cán bộ cao cấp nào đó (mà bà biết) sau khi về hưu được các doanh nghiệp trả là bao nhiêu?

Thực tình tôi chưa biết ở những vị trí ấy người ta sẽ trả bao nhiêu, nhưng tôi tin chắc đó không phải là cái giá quá bèo. Tôi cũng không hỏi tôi sẽ nhận được bao nhiêu, hoặc người ta cũng chẳng nói tôi sẽ nhận được thế nào. Chỉ biết rằng những nơi đó hưởng lương rất cao nhưng trách nhiệm cực lớn.

Cái gì nó cũng có cái giá của nó, nhất là với sức lao động. Những người có tài năng, sức khỏe và quan hệ tốt thì thù lao của họ phải cao. Với lại những người như thế rất hiếm, nên anh doanh nghiệp nào nhanh tay thì sẽ được…

Mà thực ra, với tôi, bây giờ chỉ làm bằng nhiệt huyết nghề nghiệp, chứ lúc này tôi cũng chẳng vì kinh tế, mà cũng chẳng vì chính trị gì cả. Nhưng với các bạn trẻ lại khác, các bạn nên hỏi thẳng các bạn sẽ được trả bao nhiêu. Phải minh bạch và sòng phẳng.

Cảm giác như bà có lý do gì đó phải dè dặt ở đây chăng?

Ngay cả lương của tôi hồi còn làm cho Nhà nước, người ta đưa bao nhiêu tôi biết bấy nhiêu. Có lần tôi nói đùa với anh Trương Chí Trung (Thứ trưởng Bộ Tài chính, phụ trách mảng thuế, nay là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn - PV), có hai cái trên đời này tôi rất dốt.

Thứ nhất, về chế độ tiền lương họ nói tôi ở bậc nào và nhận bao nhiêu thì cứ nhận, nhưng tôi chẳng biết lương của mình được tính thế nào. Còn cái dốt thứ hai là về chính sách thuế của ông, tôi chẳng hiểu gì cả. (Cười)

Bà nghĩ thế nào về hiện tượng những quan chức cấp cao sau khi về hưu (có các nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng) sau khi về hưu thì ra làm cho các công ty, tập đoàn?

Tôi nghĩ đó là quyền của người ta. Họ còn sức, còn trí tuệ… thì họ có quyền lựa chọn. Tuy nhiên, ở ta, theo quan điểm của tôi thì những người đã làm lâu năm, đến tuổi về hưu thì nên nghỉ để nhường chỗ cho người trẻ. Ai cũng tranh đi làm thì các bạn trẻ lấy đâu cơ hội việc làm.

Nhưng người ta lo ngại rằng, nếu một ông bộ trưởng về hưu, ông sẽ biết được các chính sách chiến lược của Nhà nước mà chỉ một số ít người mới biết được, hoặc có những quyền lực còn cắm lại… Chính những điểm này khiến cho các công ty lớn sẽ “săn” họ với mức lương khá cao?

Đấy là chuyện thường tình, và là lẽ tự nhiên của nền kinh tế thị trường. Thường thì những doanh nghiệp dám mời như thế là những doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Những doanh nghiệp này muốn khai thác hết mối quan hệ của người này.

Do đó tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, hãy tích tụ cho mình một lượng kiến thức sâu để trở thành chuyên gia, thì không bao giờ phải về hưu cả, dù không làm cho Nhà nước.

* TS. Dương Thu Hương sinh năm 1946, tại Hà Nội.

- 1964 - 1969: Học đại học

- 1969 - 1979: Giảng dạy tại Học viện Ngân hàng

- 1979 - 1984: Nghiên cứu sinh tại Hungary

- 1988: Phó giám đốc Ngân hàng Công thương Hà Nội

- 1997: Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

- 2002 - 2007: Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội

- Tháng 8/2007 đến nay: Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Lê Ngọc Sơn (Sinh Viên Việt Nam)