Vì sao Pháp nói “Không” với khuyến mãi đại hạ giá?
Các chương trình khuyến mãi đại hạ giá cho nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ chính thức bị loại bỏ tại Pháp. Phạm vi giảm giá quá 34% so với giá thông thường sẽ bị cấm, và điều này cũng đánh dấu sự kết thúc của các chương trình "mua một, tặng một"...
Để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Pháp gần đây đã thực thi luật cấm siêu thị giảm giá quá 34% cho nhiều sản phẩm cá nhân và gia dụng. Đạo luật mang tính đột phá có hiệu lực kể từ ngày 1/3 này mang tên Descrozaille, được đặt theo tên của người đề xuất luật - ông Frédéric Descrozaille, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. Đạo luật được xây dựng dựa trên một quy định tương tự áp dụng cho tất cả các mặt hàng thực phẩm kể từ tháng 3 năm trước.
Việc cấm các khuyến mãi đại hạ giá cũng có nghĩa là không có bất ngờ lớn khi thanh toán, vì giá của một giỏ hàng mua sắm tương tự sẽ không dao động quá nhiều từ tuần này sang tuần khác, đảm bảo sự ổn định giá cả cho người mua hàng. Ngoài ra, theo lập luận của giới lập pháp viên nước Pháp, các SME đang gặp khó khăn không thể nào cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia khổng lồ khi nói đến việc giảm biên lợi nhuận của họ để đưa ra các mức khuyến mãi lớn như vậy.
Khi các nhà bán lẻ đàm phán với nhà sản xuất hoặc bên nhập khẩu, họ sẽ cố gắng thương lượng được giá thấp nhất để có thể cung cấp các mặt hàng tương tự như đối thủ cạnh tranh nhưng với giá thành thấp hơn, nhằm mục đích thu hút nhiều khách hàng. Logic tương tự cũng áp dụng cho chiến lược khuyến mãi giảm giá, với các nhà bán lẻ cố gắng mang đến những ưu đãi hấp dẫn hơn. Nhưng thực tế, các hệ thống bán lẻ lại không phải là nơi cắt giảm biên lợi nhuận khi họ thực hiện siêu khuyến mãi, mà là các nông dân và nhà sản xuất phải chịu những chi phí này.
Mặc dù giới hạn về các khuyến mãi giảm giá tại siêu thị đã được áp dụng cho thực phẩm từ tháng 3 năm 2023, các nông dân Pháp vẫn phàn nàn về cách các nhà bán lẻ đã tìm ra để tránh những quy định như vậy. Từ lâu, SME và những nhà sản xuất quy mô nhỏ đã phàn nàn về sự cạnh tranh không công bằng được tạo ra bởi hệ thống, vì họ không thể sánh kịp những gì các tập đoàn lớn có thể cung cấp.
Và ngay cả khi giới hạn về các khuyến mãi giảm giá tại siêu thị đã được áp dụng cho thực phẩm từ tháng 3/2023, nhưng người nông dân Pháp vẫn rất bức xúc về cách mà các nhà bán lẻ lớn đã “lươn lẹo” để tránh những quy định như vậy. Một số nhà bán lẻ đa quốc gia hoạt động tại Pháp đã hình thành liên minh bán lẻ với các đối tác châu Âu của họ, với trụ sở giao dịch đặt ngoài biên giới Pháp, tại các quốc gia mà luật pháp vẫn thuận lợi hơn cho “túi tiền” của họ.
Theo Euro News, hiện tại đạo luật mới nhận được nhiều lời khen ngợi vì thúc đẩy tính minh bạch về giá, cho phép người tiêu dùng so sánh giá thực tế và đưa ra những lựa chọn sáng suốt, thay vì có cảm giác sai lầm về những mặt hàng giá rẻ mà chỉ các tập đoàn lớn mới có khả năng để bày lên kệ. Người mua sắm sẽ không còn phải trải qua những biến động mạnh mẽ về giá đi kèm với các đợt bán hàng giảm giá lớn, bảo đảm sự ổn định trong hóa đơn mua sắm hàng tuần của họ.
Tuy nhiên, khi lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến Pháp vào năm 2023, người tiêu dùng đã chuyển sang mua thực phẩm tại các thương hiệu và siêu thị giảm giá như Aldi và Action for Food. Với luật hiện đang mở rộng sang các sản phẩm cá nhân và gia dụng, người mua hàng một lần nữa có thể điều chỉnh thói quen của mình và khám phá các lựa chọn mua sắm thay thế thay vì các siêu thị truyền thống.
Chuyên gia tiếp thị Eric Carabajal gợi ý rằng, tác động của luật sẽ được cảm nhận rõ ràng trong việc mua sắm theo sở thích, những khoản bổ sung nhỏ, mua hàng ngoài kế hoạch, mua số lượng lớn và khám phá. Nhiều người mua sắm có xu hướng chất đầy giỏ hàng của họ những mặt hàng được giảm giá và việc không có đợt giảm giá lớn có thể thúc đẩy sự thay đổi trong mô hình mua hàng.
Mua sắm trực tuyến có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu chiếm một phần đáng kể trong ngân sách hộ gia đình, chẳng hạn như tã lót hoặc dao cạo râu. Nghiên cứu tháng 1 của văn phòng thống kê IFOP của Pháp về doanh số bán sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc gia đình cho thấy, áp lực kinh tế khiến 50% số người được hỏi hạn chế mua hàng, tăng từ 34% của năm trước.
Vào tháng 1, văn phòng thống kê IFOP của Pháp đã công bố một nghiên cứu về doanh số bán các sản phẩm vệ sinh cá nhân và chăm sóc gia đình, trong đó 50% số người được hỏi cho rằng tình trạng kinh tế hiện tại buộc họ phải hạn chế và giảm số lượng mua - tăng từ 34% của người trả lời năm trước.
Mặt hàng đầu tiên mà khách hàng Pháp có xu hướng cắt giảm là sản phẩm trang điểm: 40% số người được hỏi cho biết họ đã ngừng hoặc giảm mua các sản phẩm này vì lý do tài chính. Tiếp theo là thuốc nhuộm tóc (33%) và kem dưỡng ẩm (30%). Một số người được hỏi cũng cho biết họ phải cắt giảm nhiều mặt hàng vệ sinh thiết yếu hơn, như kem đánh răng (10%) và giấy vệ sinh (9%) - những sản phẩm không thể giảm giá dưới 34% giá thông thường nữa .
Nhiều người ở Pháp cũng đã phải giảm bớt khẩu phần ăn hoặc bỏ qua những yêu cầu khắt khe về chất lượng thực phẩm mua về. Một cuộc khảo sát mới được hãng Elabe thực hiện cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng Pháp thì có 8 người cho biết đã thay đổi thói quen mua sắm trong những tháng gần đây để thích ứng với tình trạng giá cả leo thang.
Trong vài tháng tới, các nhà phân tích bán lẻ sẽ xem xét kỹ lưỡng hành vi của người tiêu dùng đang thích ứng với luật mới này như thế nào, đặc biệt là khi lạm phát đang giảm bớt ở Pháp và EU, tạo ra cảm giác bình thường nhất định ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của hộ gia đình.
Trước đó, hồi tháng 6/2023, Chính phủ Pháp thông báo đã đạt được thỏa thuận với các nhà bán lẻ chính nhằm thiết lập mức trần đối với giá cả nhiều loại thực phẩm, trong nỗ lực nhằm giảm bớt áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng nước này. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ước tính chi phí thực hiện sáng kiến này vào khoảng vài trăm triệu euro. Các hãng bán lẻ cũng đã nhất trí gánh chi phí này.
Hiện tại, các báo cáo công bố mới nhất cho thấy, lạm phát tại các nền kinh tế lớn của Eurozone tiếp tục giảm trong tháng 2/2024. Tại Pháp, lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai EU này đã giảm từ 3,1% của tháng 1, xuống còn 2,9% trong tháng 2.