14:03 05/06/2023

Vì sao tốc độ sinh lời từ đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội giảm dần?

Nhật Dương

Tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội còn hạn chế và có xu hướng giảm dần do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, và lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề cập trong báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

TỐC ĐỘ SINH LỜI TỪ QUỸ CÓ XU HƯỚNG GIẢM 

Báo cáo về công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, về quy mô Quỹ bảo hiểm xã hội tăng nhanh qua các năm, dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô các quỹ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 175 lần quy mô đầu tư năm 1998, gấp 2,1 lần quy mô các quỹ năm 2016 (năm đầu thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Tuy nhiên, tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần, do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, và lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh, từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên nhân dẫn đến tốc độ sinh lời chưa cao, có xu hướng giảm, trước hết phải nhìn nhận Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn.

Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn quỹ đi đôi với sinh lời. Ngoài ra, danh mục đầu tư chủ yếu là đầu tư trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; chưa quy định hình thức ủy thác đầu tư.

Đồng thời, chưa có quy định cụ thể về quản trị rủi ro đối với cơ quan bảo hiểm và quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư đối với các sản phẩm đầu tư để phòng ngừa rủi ro.

Nhằm nâng cao tốc độ sinh lời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng bổ sung mục riêng về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội gồm 3 Điều, trong đó quy định về nguyên tắc đầu tư, danh mục đầu tư và phương thức đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư. Bộ cho rằng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ CHO LAO ĐỘNG BỊ NỢ ĐÓNG BẢO HIỂM

Cùng nhóm nội dung về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề cập đến tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu. Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó đã có văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết kịp thời quyền lợi đối với hơn 206.400 người lao động nêu trên.

Theo đó, xem xét, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đủ điều kiện (lương hưu hàng tháng, bảo hiểm xã hội một lần,...) và các trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì xác nhận thời gian đã đóng để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.

Về lâu dài, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

 

Về thực trạng hưởng bảo hiểm một lần, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong giai đoạn 2016 - 2022, đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong đó số người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội...