14:34 28/03/2023

Đề xuất bổ sung hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo lộ trình

Nhật Dương

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung hình thức ủy thác đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội; bổ sung quy định hoạt động đầu tư Quỹ được kiểm toán độc lập hàng năm. Qua đó, nhằm từng bước mở rộng các hình thức đầu tư theo lộ trình phù hợp, song vẫn đảm bảo an toàn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Căn cứ quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, các hình thức, việc xây dựng các phương án, phương thức và giao trách nhiệm cho Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội thông qua phương án đầu tư và giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trực tiếp thực việc đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật.

Hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội được thực hiện thông qua các hình thức như sau: Mua trái phiếu Chính phủ; cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thực hiện quy định này, hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện đầu tư chủ yếu dưới 2 hình thức: Mua trái phiếu Chính phủ (hơn 86%) và gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (khoảng 14%).

Trong khi đó, lãi suất từ trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm dần, việc gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều hạn chế do vướng mắc về pháp lý và khả năng hấp thụ nguồn tiền của các ngân hàng thương mại.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, điều này về lâu dài làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Thực tế trong giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ lãi đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân năm đang có xu hướng giảm dần từ 7,9% của năm 2016 xuống còn 4,39% của năm 2021.

Đối với số tiền được đem đi đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện nay là rất lớn (khoảng 1 triệu tỷ) thì việc nâng cao thêm hiệu quả đầu tư (tỷ lệ lãi đầu tư) có tác động rất lớn đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (tỷ lệ lãi đầu tư được nâng lên thêm 1% tương đương với số tiền lãi thu về tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng), nhằm đảm bảo cũng như có căn cứ để nâng cao hơn quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Do vậy, việc bổ sung hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội là cần thiết để nhằm đa dạng các hình thức đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết. Đồng thời tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đã dành một nội dung riêng về định hướng cải cách trong đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, cụ thể: Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Các hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội được mở rộng theo lộ trình phù hợp. Ảnh - BHXH Việt Nam. 
Các hình thức đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội được mở rộng theo lộ trình phù hợp. Ảnh - BHXH Việt Nam. 

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi theo hướng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư quỹ, góp phần cân đối các Quỹ Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Nhằm thể chế hóa quan điểm, đình hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/T W về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, căn cứ trên bối cảnh thực tế, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định các nội dung về đầu tư các quỹ bảo hiểm tại Luật Bảo hiểm xã hội như sau: Bổ sung hình thức ủy thác đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội; bổ sung quy định hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội được kiểm toán độc lập hàng năm.

Đề xuất này nhằm từng bước mở rộng các hình thức đầu tư theo lộ trình phù hợp, sau mỗi giai đoạn sẽ được đánh giá và đề xuất triển khai tiếp sau.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, phương án này được dự báo góp phần tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ, giảm gánh nặng bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội của ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, việc đầu tư quỹ được thực hiện an toàn hơn do tăng cường công tác kiểm toán, đồng thời, hiệu quả hơn do các quy định bổ sung về hình thức đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, do vậy công tác đánh giá dự báo rủi ro đầu tư cần phải được coi trọng và thực hiện đầy đủ.

Đối với người lao động và người sử dụng lao động, không phát sinh tác động đáng kế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc Quỹ Bảo hiểm xã hội được nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện về cân đối tài chính trong dài hạn sẽ giảm gánh nặng đóng góp giữa các thế hệ.

Trong dài hạn, dự báo giảm gánh nặng về đóng góp của người lao động các thế hệ sau này trong mô hình cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội, sẽ góp phần nâng cao đời sống của người lao động, bên cạnh đó, do ngân sách nhà nước cũng giảm gánh nặng bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội, có dư địa để chi cho các mục phát triển xã hội khác.

Mặc dù vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần xem xét có quy định cụ thể về đánh giá hiệu quả đầu tư và đánh giá rủi ro trong đầu tư. Bổ sung thêm một hình thức đầu tư là cơ hội để gia tăng hiệu quả đầu tư nhưng đồng thời cũng là việc tiếp nhận thêm một số rủi ro trong vấn đề đầu tư, do đó các quy định về đánh giá hiệu quả đầu tư và rủi ro trong đầu tư cần được quy định cụ thể và rõ ràng hơn, để xác định, giải quyết các rủi ro gặp phải khi thực hiện đầu tư.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, về các hình thức đầu tư quỹ, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. “Ban soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu đánh giá lại các hình thức đầu tư quỹ trong thời gian qua, từ đó nghiên cứu có phương thức đầu tư hiệu quả nhất, song vẫn lấy phương châm đảm bảo an toàn quỹ là trên hết”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.