11:03 23/03/2023

Vì sao trái phiếu AT1 bị xóa sổ trong thương vụ UBS-Credit Suisse gây tranh cãi?

Hoài Thu

Điều khiến các nhà đầu tư bị sốc không phải là việc trái phiếu AT1 của Credit Suisse bị ghi bút toán giảm về 0, mà là họ bị xếp sau các cổ đông của ngân hàng này...

UBS mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 3,25 tỷ USD) - Ảnh: Getty Images
UBS mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 3,25 tỷ USD) - Ảnh: Getty Images

Chủ nhật tuần trước, các nhà đầu tư mua trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của Credit Suisse nhận hung tin rằng toàn bộ số trái phiếu mà họ nắm giữ được ghi bút toán giảm về 0 sau khi ngân hàng Thụy Sỹ được đối thủ UBS mua lại trong thương vụ giải cứu khẩn cấp.

Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) thông báo UBS sẽ mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 3,25 tỷ USD). Mức giá này thấp hơn khoảng 60% so với giá trị thị trường của Credit Suisse khi đóng cửa phiên giao dịch gần nhất. Các cổ đông của Credit Suisse được đổi 22,48 cổ phiếu ngân hàng này lấy 1 cổ phiếu UBS.

Tuy nhiên, đó chưa phải tin xấu nhất bởi các trái chủ nắm trái phiếu AT1 của Credit Suisse có nguy cơ mất trắng 17 tỷ USD. Các nhà chức trách Thụy Sỹ nói rằng các trái chủ này sẽ không nhận được gì cả. Động thái này mâu thuẫn với hệ thống phân cấp trong phân chia tài sản thông thường khi một ngân hàng phá sản, theo đó các cổ đông xếp cuối hàng trong bất kỳ hình thức chi trả nào.

“Toàn bộ trái phiếu AT1 của Credit Suisse với tổng giá trị khoảng 16 tỷ Franc Thụy Sỹ sẽ được ghi giảm giá trị về 0”, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (SFMSA) cho biết trong một thông cáo ngày 19/3.

Ông David Benamou, giám đốc đầu tư của Axiom Alternative Investments - công ty quản lý tài sản của Pháp có liên quan đến trái phiếu AT1, đã mô tả quyết định này là “gây bất ngờ nếu không muốn nói là… gây sốc”.

Theo Financial Times, thị trường trái phiếu AT1 châu Âu hiện có tổng giá trị khoảng 250 tỷ USD. Động thái trên có thể khiến thị trường này rơi vào trạng thái đóng băng.

QUYẾT ĐỊNH "KỲ LẠ" CỦA NHÀ CHỨC TRÁCH THỤY SỸ

Trái phiếu AT1, còn được gọi là “trái phiếu chuyển đổi dự phòng” (CoCo), ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 như một cách để các ngân hàng sụp đổ có thể bù đắp các khoản lỗ và ít khả năng phải nhận các gói cứu trợ từ ngân sách của Chính phủ hơn.

Đây là một công cụ đầu tư rủi ro bởi nếu một ngân hàng gặp rắc rối, trái phiếu AT1 có thể chuyển đổi nhanh chóng thành vốn chủ sở hữu hoặc bị ghi bút toán giảm hoàn toàn. Vì có mức độ rủi ro cao nên trái phiếu AT1 có lợi suất cao hơn hầu hết các loại trái phiếu khác do các nhà băng có cùng mức xếp hạng tín nhiệm phát hành. Điều này khiến trái phiếu AT1 được các nhà đầu tư tổ chức ưa chuộng.

Trên thực tế, điều khiến các nhà đầu tư bị sốc không phải là việc trái phiếu AT1 của Credit Suisse bị ghi bút toán giảm về 0. Điều khiến họ sốc là các cổ đông của ngân hàng này nhận được một phần bù đắp khi ngân hàng sụp đổ, còn trái chủ thì không.

Thông thường, trong xử lý quyền lợi khi một ngân hàng phá sản, các trái chủ được xếp ở hàng cao hơn so với cổ đông. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vụ việc của Credit Suisse không phải một vụ phá sản truyền thống, do đó không áp dụng các quy tắc thông thường.

“Hệ thống phân cấp xử lý quyền lợi nói trên vẫn được áp dụng ở Liên minh châu Âu (EU). Không thể có chuyện các cổ đông nhận được chi trả trong chi trái chủ AT1 lại không nhận được gì. Quyết định của các nhà chức trách Thụy Sỹ rất kỳ lạ”, ông Benamou nói.

BOE khuyến cáo rằng “các trái chủ nắm giữ AT1 nên chuẩn bị tinh thần rằng có thể bị thiệt hại khi một ngân hàng sụp đổ” - Ảnh: Getty Images
BOE khuyến cáo rằng “các trái chủ nắm giữ AT1 nên chuẩn bị tinh thần rằng có thể bị thiệt hại khi một ngân hàng sụp đổ” - Ảnh: Getty Images

Còn theo ông Michael Hewson, nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets, có thể do vụ việc của Credit Suisse không phải là vụ phá sản, nên cả trái chủ AT1 và cổ đông đều phải chịu thiệt hại.

Ngày 20/3, các nhà quản lý ngân hàng EU và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư trái phiếu AT1 nói chung rằng họ luôn được ưu tiên hơn so với các cổ đông trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng trong tương lai.

“Các công cụ vốn chủ sở hữu phổ thông (cổ phiếu) là công cụ đầu tiên gánh chịu các khoản lỗ và chỉ sau khi sử dụng hết công cụ này, cấp tiếp theo mới bị ghi bút toán giảm”, các nhà quản lý EU cho biết trong một tuyên bố. “Cách tiếp cận này đã được áp dụng nhất quán trong nhiều trường hợp trước đây”.

Trong một bài phát biểu cùng ngày, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh rằng các ngân hàng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) “chịu tác động rất hạn chế” từ vụ việc của Credit Suisse đặc biệt là liên quan tới trái phiếu AT1.

“Chúng tôi không nói về những thiệt hại ở mức tỷ USD mà chỉ ở mức triệu USD”, bà Lagarde nói.

Trong khi đó, BOE khuyến cáo rằng “các trái chủ nắm giữ AT1 nên chuẩn bị tinh thần rằng có thể bị thiệt hại khi một ngân hàng sụp đổ” do vị trí thông thường của họ trong hệ thống phân cấp trong giải quyết quyền lợi.

TƯƠNG LAI NÀO CHO NHÀ ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU AT1

Động thái bất ngờ của SNB đã làm chao đảo thị trường trái phiếu AT1 châu Âu, khiến các nhà đầu tư giờ đây lo lắng rằng liệu tài sản mà họ đang nắm giữ liệu có bị xóa sổ nếu một ngân hàng khác phá sản hay không.

Ông Joost de Graaf, đồng giám đốc phụ trách tín dụng châu Âu tại công ty quản lý tài sản Hà Lan Van Lanschot Kempen, cho biết quỹ của ông không đầu tư vào trái phiếu AT1 vì ông “lo lắng điều tương tự sẽ xảy ra”, khi mà các nhà chức trách có thể quyết định rằng một nhà băng không thể hoạt động được nữa và khiến trái phiếu của họ trở nên vô giá trị.

“Trong những năm tới, thị trường trái phiếu AT1 có thể rơi vào trạng thái đóng băng, mà ở đó các nhà phát hành rất khó phát hành trái phiếu mới ở mức lợi suất có thể chấp nhận được”, ông de Graaf nói.

Theo ông, hiệu ứng dây chuyền có thể lan sang thị trường trái phiếu nói chung, khiến các nhà đầu tư có cơ sở để yêu cầu lợi suất cao hơn với những trái phiếu được xem là rủi ro hơn.

“Trong tương lai gần, việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu sẽ trở nên tốn kém hơn”, ông de Graaf nói thêm.

Trên thực tế, nhiều dấu hiệu cho thấy điều này đang xảy ra. Cổ phiếu của quỹ giao dịch hoán đổi AT1 Capital Bond của Invesco, theo dõi trái phiếu AT1, đã giảm 5,5% trong phiên giao dịch ngày 20/3. Trong khi đó, cổ phiếu của WisdomTree, một quỹ ETF AT1 khác được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London giảm tới 7,4%.

“Tuy nhiên, thiệt hại thực sự là một tiền lệ cho việc ghi bút toán giảm đã được thiết lập”, ông Benamou của Axiom Alternative Investments nói. “Trước đó, không một nhà phân tích tài chính nào tin rằng trái phiếu AT1 có thể bị giảm giá trị hoàn toàn về 0, kể cả trong trường hợp Credit Suisse bị giải thể".