09:18 12/06/2023

Vì sao Trung Quốc “sốt” thuốc trị tiểu đường Ozempic?

Nguyễn Tuyên

Cơn sốt dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường Ozempic để giảm cân hiện đang lan rộng khắp Trung Quốc - nơi vóc dáng mảnh mai là tiêu chuẩn sắc đẹp phổ biến trong xã hội - dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc ở nước này…

Một bệnh nhân tiểu đường chuẩn bị tiêm Ozempic để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nhiều người hiện đang sử dụng thuốc này để hỗ trợ giảm cân - Ảnh: Shutterstock.
Một bệnh nhân tiểu đường chuẩn bị tiêm Ozempic để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nhiều người hiện đang sử dụng thuốc này để hỗ trợ giảm cân - Ảnh: Shutterstock.

Nhu cầu Ozempic, một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, trên thế giới tăng cao khi những người nổi tiếng và người dùng mạng xã hội ca ngợi nó như một loại “thần dược” để giảm cân, bất chấp một số lo ngại từ các chuyên gia y tế.

“Cơn sốt” thuốc Ozempic hiện đang lan rộng khắp Trung Quốc - nơi vóc dáng mảnh mai là tiêu chuẩn sắc đẹp phổ biến trong xã hội - dẫn đến tình trạng thuốc khan hiếm ở nước này.

Theo hãng tin CNN, các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Douyin và Xiaohongshu tràn ngập các bài đăng của người dùng khoe về việc họ dễ dàng giảm được gần 5 kg trong vòng một tháng chỉ với một vài mũi tiêm Ozempic - biệt dược của Semaglutide.

“Đây là thần dược. Không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục, bạn có thể giảm cân ngay cả khi nằm yên một chỗ”, một loạt bài đăng phổ biến trên Xiaohongshu quảng cáo.

Ozempic đã chính thức được phê duyệt tại Trung Quốc vào tháng 4/2021 để điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng người dùng có thể lấy thuốc từ bác sĩ để sử dụng cho mục đích khác hoặc mua trên các nền tảng thương mại điện tử như Taobao và JD.com với đơn thuốc của người khác.

Các chuyên gia y tế cho biết, loại thuốc này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng. Các nghiên cứu và báo cáo của bệnh nhân cho thấy nhiều người thấy cân nặng của họ tăng trở lại ngay sau khi ngừng tiêm.

Nhưng nhu cầu ngày càng tăng đối với loại thuốc này ở Trung Quốc đã khiến nhiều bệnh viện và hiệu thuốc rơi vào cảnh khan hiếm Ozempic kể từ cuối năm ngoái, theo tạp chí y khoa People's Daily Health. Tình trạng này đã gây ra vấn đề cho bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc vào thuốc.

Tháng trước, một bác sĩ tại bệnh viện trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn ở thành phố Quảng Châu nói với truyền thông nhà nước rằng, bệnh viện đã có lúc hết sạch thuốc Ozempic trong một thời gian ngắn do nhu cầu giảm cân tăng cao. Kể từ đó, bệnh viện đã ngừng kê đơn thuốc này cho những người không mắc bệnh tiểu đường.

Việc phóng đại tác dụng thần kỳ của loại thuốc này tràn lan trên mạng xã hội khiến Xiaohongshu hồi tháng 2 phải tiến hành xóa hơn 5.000 bài đăng chia sẻ kinh nghiệm giảm cân với Ozempic.

Nền tảng truyền thông xã hội này đã cáo buộc nhiều bài đăng “phóng đại” hiệu quả giảm cân của loại thuốc Ozempic và cảnh báo người dùng không nên “tin tưởng một cách mù quáng” vào những nội dung như vậy. Nền tảng này cũng khởi tạo một cảnh báo nhắc nhở người dùng đang tìm kiếm thuốc trực tuyến “hãy đến các cơ sở y tế chính thức để điều trị”.

Nhưng động thái đó là không đủ để làm dịu cơn sốt thuốc Ozempic. Do nhu cầu tăng chóng mặt, giá thuốc bán trực tuyến tăng vọt. Giá thuốc niêm yết của một liều Ozempic 1,5 mg là 478 nhân dân tệ (67 USD) tại các bệnh viện công. Nhưng giá của cùng loại thuốc này hiện cao hơn từ 36% đến 151% trên trang mua sắm trực tuyến Taobao.

Theo nhà sản xuất - Công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk (NONOF), Ozempic đã ghi nhận doanh thu 303 triệu kroner (44 triệu USD) tại Trung Quốc trong 9 tháng sau khi ra mắt vào tháng 4/2021. Năm tiếp theo, doanh số bán hàng trong nước tăng hơn 7 lần, đạt 2,2 tỷ kroner (316 triệu USD).

Thị trường thuốc giảm cân ở Trung Quốc được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới. Một báo cáo của chính phủ nước này từ cuối năm 2020 cho biết hơn 50% người trưởng thành ở Trung Quốc bị thừa cân.

Theo ước tính của Tebon Securities có trụ sở tại Thượng Hải vào tháng 10 năm ngoái, tổng doanh số bán GLP-1, một nhóm thuốc trị tiểu đường bao gồm Semaglutide, có thể đạt mức cao nhất là 40 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD) tại Trung Quốc. Do đó, các nhà sản xuất thuốc phương Tây và Trung Quốc đều muốn có thị phần trong thị trường đang bùng nổ này.