Việc làm nửa cuối năm: Nhu cầu lớn, cảnh giác “việc nhẹ, lương cao”
Nửa cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động tại thị trường Hà Nội chủ yếu tập trung vào các ngành thương mại, dịch vụ với mức lương từ 5 - 12 triệu đồng
Nửa cuối năm, thị trường lao động được bổ sung một nguồn nhân lực lớn là lực lượng các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lớn do yêu cầu mở rộng sản xuất cũng như tăng tốc cho các hoạt động kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2019.
Nhu cầu tuyển dụng lớn ở khối thương mại, dịch vụ
Đơn cử, theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại phiên giao dịch việc làm vừa tổ chức ngày 15/8 có đến 58 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 749 vị trí việc làm trống. Nhu cầu tuyển dụng thời điểm này tập trung vào các ngành nghề như hành chính nhân sự, nhân viên kinh doanh, bán hàng, kế toán, với mức lương trung bình từ 5 - 12 triệu đồng.
Các doanh nghiệp có nhu cầu lớn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thương mại - dịch vụ với gần 70% doanh nghiệp tham gia thuộc nhóm này, ngoài ra là các doanh nghiệp sản xuất, bảo hiểm, xây dựng…
Trao đổi với VnEconomy, bà Đậu Thị Hà, Trưởng phòng Kinh doanh và Tuyển dụng, phòng Quan hệ cổ đông Tập đoàn Panda, cho biết, hiện doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng 10 vị trí trưởng phòng kinh doanh, riêng các vị trí phó phòng và nhân viên kinh doanh thì không không giới hạn chỉ tiêu tuyển dụng từ nay đến hết năm.
Mức lương cho vị trí trưởng phòng được doanh nghiệp này đưa ra là từ 10 - 15 triệu đồng, phó phòng từ 6 - 10 triệu đồng và nhân viên kinh doanh 3 - 5 triệu đồng chưa kể thưởng doanh số.
Nói đến khả năng đáp ứng của các vị trí đang tuyển dụng, bà Hà cho biết, doanh nghiệp không quá quan trọng chuyện bằng cấp của người lao động, chỉ cần đạt yêu cầu tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên đối với vị trí trưởng phòng.
Thay vào đó, thực tế hiện các doanh nghiệp rất quan tâm đến sự nhiệt tình, đam mê công việc, khả năng sáng tạo, xử lý tình huống và khả năng chịu được áp lực trong công việc của các ứng viên tham gia tuyển dụng.
Ở một doanh nghiệp khác, bà Hoàng Thị Lê Anh, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông, chuyên về sản xuất thiết bị điện tử viễn thông cho biết, do yêu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp này đang cần tuyển 200 công nhân lắp ráp điện tử viễn thông và sửa chữa với mức lương từ 6,5 triệu đồng trở lên. Về yêu cầu, doanh nghiệp này cũng khẳng định luôn đánh giá cao thái độ chăm chỉ, chịu khó, nhanh nhẹn và tinh thần cầu thị học hỏi của người lao động.
Cảnh giác với việc nhẹ, lương cao
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nửa cuối năm, cơ hội việc làm với nhiều mức thu nhập tùy từng trình độ dành cho người lao động là rất rộng mở. Trong đó, với mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng sẽ dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Trong khi đó, mức 5 - 7 triệu đồng sẽ dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng thuộc về các vị trí chất lượng cao cho các vị trí kinh doanh quản lý, trưởng - phó phòng, thường là những người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt cũng như khả năng chịu được áp lực cao.
Mặc dù vậy, nửa cuối năm, thị trường việc làm đón nhận nhiều lực lượng mới gia nhập thị trường lao động là sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học, nhưng đây cũng là lực lượng thường chưa có kinh nghiệm tình việc nên rất dễ rơi vào các bẫy việc làm đăng tuyển với nội dung "việc nhẹ, lương cao".
Nhiều năm làm công tác tuyển dụng, bà Đậu Thị Hà thừa nhận, hiện nay người lao động có nhiều lựa chọn việc làm do có nhiều kênh tìm việc, nhưng điều này cũng rất dễ khiến họ bị rối, bởi quá nhiều cơ hội nên khó nhận diện được việc làm nào thực sự phù hợp với mình.
"Quá nhiều kênh tìm việc vừa khiến nhà tuyển dụng không tìm được nhân sự phù hợp, trong khi người lao động lại không tìm được việc, thậm chí mất rất nhiều tiền do qua môi giới", bà Hà lưu ý và khuyến cáo người lao động nên tìm đến các sàn giao dịch việc làm uy tín để tránh mất thời gian.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Lê Anh cũng cho rằng, để tránh không gặp phải các hành vi lừa đảo việc làm trên mạng, người lao động nên tìm đến các trang việc làm có chất lượng cũng như tìm hiểu kinh nghiệm tìm việc của những người đi trước.
Về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, với rất nhiều trang tìm việc làm trên mạng, nhất là facebook hiện nay là rất khó kiểm soát được độ tin cậy của các thông tin.
"Các kênh tìm việc trên mạng hiện nay như một ma trận, do vậy người lao động nên tìm đến các kênh thông tin việc làm chính thức hoặc các sàn giao dịch việc làm", ông Thảo lưu ý và khẳng định các trung tâm việc làm luôn có những hỗ trợ tốt nhất cho người lao động.