14:57 09/06/2023

Việc làm xanh tại Việt Nam vẫn còn rất "khiêm tốn" trong tổng số việc làm

Nhật Dương

Hiện việc làm xanh tại Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm với 3,6%. ​Tuy nhiên, ngoài các nghề xanh, rất nhiều nghề khác có tiềm năng trở thành nghề xanh, cho thấy những lợi ích to lớn có thể mang lại từ việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo việc làm xanh trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam, do Tổng cục Thống kê phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, sáng 9/6. 

Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đặt ra các mục tiêu tăng trưởng xanh. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 xác định kinh tế xanh là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước, gồm: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và nước sạch; phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn; bảo vệ môi trường; và chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 cũng đề ra ba mục tiêu cụ thể là giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế, và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

NHIỀU NGÀNH NGHỀ CÓ TIỀM NĂNG XANH HÓA

Bà Abla Safire, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết những cam kết này không chỉ dẫn đến những thay đổi trong ngành, mà còn đòi hỏi tất cả các ngành phải điều chỉnh việc làm để áp dụng các thông lệ thân thiện với môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng xác định tạo việc làm xanh là một trong những định hướng chiến lược.

Tại Việt Nam, bà Abla Safire cho biết, kết quả nghiên cứu của WB phối hợp với Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay việc làm xanh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm với 3,6%, tương đương với tỷ lệ việc làm xanh của Hoa Kỳ, Indonesia và Campuchia. ​

Tuy nhiên, ngoài 39 nghề xanh, còn có 88 nghề khác có tiềm năng trở thành nghề xanh, chiếm 41% tổng số việc làm, cho thấy những lợi ích to lớn có thể mang lại từ việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam.

Các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%). “Mặc dù có thể không trực tiếp cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường, các ngành này đều có các nghề xanh. Ví dụ, kỹ sư môi trường và chuyên gia bảo vệ môi trường là các nghề nghiệp xanh trong ngành khai mỏ. Nông nghiệp có mức độ tập trung việc làm xanh tiềm năng cao nhất”, bà Abla Safire dẫn chứng.

Tương tự như việc làm xanh, bà Abla Safire cho rằng việc làm trong các ngành công nghiệp xanh vẫn còn hạn chế. Cụ thể, với tỷ lệ 4,8% trong tổng số lao động, tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp xanh chỉ lớn hơn một chút so với tỷ lệ lao động trong việc làm xanh. Các doanh nghiệp trong các ngành xanh cũng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc làm xanh và việc làm trong các ngành xanh tập trung nhiều hơn ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi việc làm xanh tiềm năng lại trải rộng hơn. Các tỉnh có mức độ việc làm xanh cao nhất là Yên Bái (13%), Bạc Liêu (12%) và Sóc Trăng (9%).

Trong khi đó, các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên đang tụt hậu về tỷ trọng và mức độ việc làm xanh, đồng thời nằm trong số những khu vực nghèo nhất, cho thấy những lợi ích tiềm năng từ quá trình xanh hóa.

TIỀM NĂNG CẢI THIỆN MỨC LƯƠNG VIỆC LÀM XANH TRONG TƯƠNG LAI

Mặc dù có nhiều tiềm năng cũng như khả năng là việc làm chính thức hơn, song theo chuyên gia của WB, hiện việc làm xanh ở Việt Nam dường như không được trả lương cao hơn.

Các chuyên gia tham dự hội thảo.
Các chuyên gia tham dự hội thảo.

Bà Abla Safire đánh giá, phát hiện này khác với kết quả của các nghiên cứu trước đây sử dụng các phương pháp tương tự, mặc dù các nghiên cứu này chủ yếu được tiến hành ở các nước có thu nhập cao.

Đơn cử như tại Hoa Kỳ thì tiền lương của các việc làm xanh cao hơn 4%, việc làm xanh có tay nghề thấp và trung bình cũng có mức lương cao hơn. Còn tại Vương quốc Anh, các việc làm xanh có mức lương cao hơn, đặc biệt là ở các công việc có cấp độ kỹ năng thấp hơn.

Trước thực tế việc làm xanh ở Việt Nam dường như không được trả lương cao hơn, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) lo ngại, liệu có làm giảm động lực để chuyển sang việc làm xanh hay không, khi tiền lương của những công việc này lại thấp hơn những vị trí việc làm không xanh.

“Chúng ta hay nói việc làm xanh là những việc làm góp phần vào bảo vệ môi trường nhưng tôi nghĩ rằng việc làm này cũng đồng thời phải tạo ra việc làm thỏa đáng nữa cho người lao động”, ông Toàn nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, thành viên nhóm nghiên cứu, nói thêm rằng hiện nay, nhu cầu đối với việc làm xanh trên toàn cầu đang tăng lên, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, do đó cần chú trọng đầu tư vào kỹ năng cho người lao động như kỹ năng số, ứng xử xã hội…nhằm phù hợp với các vị trí việc làm xanh trong tương lai.

“Hiện tiền lương của việc làm xanh không cao nhưng chưa hẳn không tạo động lực để chuyển đổi sang việc làm xanh. Mức hương hiện nay có thể chưa hấp dẫn nhưng cùng với nhu cầu tăng lên, các tiêu chí đáp ứng cũng ngày càng khắt khe hơn thì tiền lương có thể điểu chỉnh tăng lên trong 10 - 15 năm nữa”, bà Nguyễn Thị Nga nhận định.

Theo chuyên gia của WB, tiêu chuẩn đối với việc làm xanh là hết sức cần thiết, trong tương lai, người lao động muốn làm được những công việc như vậy phải tuân thủ các điều kiện. “Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, mức lương có thể không hấp dẫn nhưng nếu người lao động muốn duy trì công việc này thì họ phải đáp ứng các tiêu chí, dẫn đến bắt buộc tiền lương được điều chỉnh theo”, bà Nga tái khẳng định.  

Ngoài mức lương, để thúc đẩy việc làm xanh tại Việt Nam, WB khuyến nghị cần thường xuyên theo dõi tốc tác động của tăng trưởng xanh tới việc làm. Đó là việc lồng ghép báo cáo số liệu thống kê việc làm xanh để đánh giá tác động của quá trình chuyển đổi xanh đến thị trường lao động.

Hơn hết, cần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong các việc làm xanh và tăng cường cung cấp các kỹ năng xanh để đáp ứng nhu cầu trong nước và toàn cầu. Kỹ năng cao hơn giúp người lao động dễ dàng đáp ứng được các công việc thân thiện với môi trường hơn.

Đồng thời, cần lồng ghép các vấn đề môi trường và khí hậu vào trong chương trình giáo dục và đào tạo. Phát triển các kỹ năng nhận thức nâng cao (giải quyết vấn đề), kỹ năng xã hội và kỹ năng số cho tất cả người lao động, bao gồm cả những người chuyển đổi sang việc làm xanh. Cùng với đó, cần thiết lập quan hệ đối tác công tư để có thể giúp xác định nhu cầu và cải thiện hoạt động đào tạo về kỹ năng xanh.