09:15 04/06/2010

Việt Nam cải thiện 18 bậc chỉ số thúc đẩy thương mại

Anh Quân

Tăng khoảng nửa điểm lên 3,96 điểm, Việt Nam đã vượt từ vị trí 89 lên thứ 71 trong xếp hạng chỉ số thúc đẩy thương mại 2010

Với mức độ cụ thể của thuế quan, Việt Nam xếp thứ nhất trong các quốc gia được điều tra.
Với mức độ cụ thể của thuế quan, Việt Nam xếp thứ nhất trong các quốc gia được điều tra.
Tăng khoảng nửa điểm lên 3,96 điểm, Việt Nam đã vượt từ vị trí 89 trong bảng xếp hạng chỉ số thúc đẩy thương mại năm 2009 lên thứ 71 trong năm 2010, thuộc nhóm các nước cải thiện vị trí nhiều nhất.

Kết quả trên được rút ra từ báo cáo về thúc đẩy thương mại toàn cầu 2010 vừa được đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) giới thiệu trong buổi họp báo sáng 3/6, tại Hà Nội, trước thềm Hội nghị WEF Đông Á.

Trong 7 quốc gia ASEAN được điều tra tại báo cáo năm nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự thăng hạng. Với các nước còn lại, Singapore giữ vững vị trí số 1, trong khi Malaysia rớt 2 bậc xuống vị trí 30. Thái Lan từ 50 xuống 60; Indonesia rời 6 vị trí xuống thứ 68; Philippines mất 10 bậc xuống 92; và Campuchia lùi 11 nấc xuống 102.

Với các tiêu chí cụ thể, tiếp cận thị trường, và môi trường kinh doanh, Việt Nam có điểm số khá tốt, lần lượt là 4,4 và 4,3 điểm (thang điểm 7). Trong khi đó, tiêu chí quản lý biên giới, cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông có điểm số thấp hơn, lần lượt là 3,5 và 3,6 điểm.

Trong các chỉ tiêu thành phần, có những nội dung Việt Nam được đánh giá khá cao. Với mức độ cụ thể của thuế quan, Việt Nam xếp thứ nhất trong các quốc gia được điều tra. Tương tự, cam kết GATS trong lĩnh vực giao thông xếp thứ 10; tỷ lệ thuế quan áp dụng xếp thứ 14; chi phí xuất khẩu tính theo USD đối với 1 container xếp thứ 30…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa được cải thiện, hoặc thứ hạng vẫn ở mức cao so với các quốc gia khác trong nghiên cứu của WEF như thuế quan phân tán, sai chuẩn mực; chỉ số dịch vụ hải quan; các chi trả bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu; mật độ sân bay trên 1 triệu dân...

Bảng xếp hạng năm nay gồm 125 nền kinh tế trên thế giới. Được thực hiện trong bối cảnh quy mô thương mại toàn cầu đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, với nhiều nền kinh tế lớn đã có dấu hiệu thụt lùi trong bảng xếp hạng năm nay như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… Trong khi đó, Trung Quốc cải thiện được 1 bậc lên vị trí thứ 48.