Việt Nam cần có các chương trình hỗ trợ cho phát hành trái phiếu xanh
Đó chính là chia sẻ của ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings bên lề hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” được phối hợp chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, Moody’s Ratings và VIS Rating...
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) tại Việt Nam?
Khi chúng tôi phát hành trái phiếu xanh hay trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS), đi kèm với ý kiến của bên thứ hai để đánh giá sự phù hợp của chúng với các tiêu chuẩn quốc tế như nguyên tắc của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) về trái phiếu xanh, xã hội và bền, cũng như các nguyên tắc tương tự của các tổ chức như Hiệp hội Thị trường Cho vay (LMA) đối với các khoản vay, điều quan trọng nhất cần phải được quan tâm đó chính là các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến việc một trái phiếu có được gán nhãn “xanh” hay không mà họ còn muốn khám phá sâu hơn để hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng tới môi trường của trái phiếu đó.
Điều này cũng thể hiện sự mong muốn ngày càng tăng của các nhà đầu tư về tính minh bạch cũng như các liên quan đến yếu tố môi trường của các trái phiếu mà họ đầu tư vào.
Chính vì vậy, những gì Moody’s Rating đang cung cấp cho thị trường đó chính là một tầng hiểu biết sâu sắc hơn về những đóng góp đối với tính bền vững. Chúng tôi đánh giá mức độ phù hợp của các dự án và tầm quan trọng của công nghệ được đầu tư ngay từ đầu. Và thông qua cách này, chúng tôi mong muốn có thể đánh giá tác động dự kiến của việc đầu tư vào các dự án như vậy.
Ví dụ, hãy xem xét về việc phát triển năng lượng mặt trời. Giả sử một ngân hàng ở Việt Nam quyết định đầu tư vào một trang trại điện năng lượng mặt trời, trong tình huống này, câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi cần xem xét là “Dự án này có phù hợp với thực tế của Việt Nam hay không?” Và câu trả lời sẽ là “Có”, bởi vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc mạnh mẽ vào nhiên liệu hóa thạch, với khoảng 80% tổng sản lượng điện của đất nước đến từ nguồn năng lượng này. Vì vậy, việc chuyển đổi sang phát triển mạng lưới điện mặt trời đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao sự bền vững tại Việt Nam.
Và câu hỏi thứ hai chúng tôi đặt ra trong trường hợp này đó chính là “Dự án này phù hợp với mục tiêu của ngân hàng không?” và chắc chắn câu trả lời vẫn sẽ là “Có”. Bởi vì chúng ta đều có thể nhận thấy rằng ngân hàng đóng vai trò là xương sống của một nền kinh tế cũng như chịu trách nhiệm lớn trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của một đất nước. Chính vì vậy, việc phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho một trang trại điện mặt trời là rất phù hợp và đúng đắn.
Về việc đánh giá tầm quan trọng của mỗi dự án, chúng tôi sẽ đi sâu vào các yếu tố về loại dự án năng lượng tái tạo - có thể là năng lượng mặt trời hoặc năng lượng điện gió. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân tích tác động tổng thể của dự án cũng như cân nhắc cả những đóng góp tích cực và các tác động tiêu cực tiềm ẩn, bao gồm mọi rủi ro về môi trường để có thể đánh giá được tầm quan trọng của các dự án đó.
Ví dụ, mặc dù việc tài trợ cho thị trường ô tô là phù hợp đối với các ngân hàng nhưng mức độ lại khác nhau khi so sánh nguồn tài trợ cho xe ô tô điện thuần túy (EV) so với xe ô tô hybrid (loại ô tô sử dụng kết hợp giữa động cơ điện và động cơ xăng).
Thông thường, một chiếc ô tô sẽ có tuổi thọ từ 10 đến 15 năm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc lựa chọn một chiếc ô tô hybrid sẽ giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch theo thời gian. Tuy nhiên, với xe ô tô điện thuần túy, việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ được giảm mức tối đa. Do đó, chúng tôi thường sẽ đưa những yếu tố này vào việc đánh giá mức độ quan trọng của việc đầu tư giữa hai loại xe này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn xem xét xem và đánh giá rằng một công ty có khả năng quản lý rủi ro ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hiệu quả không. Điều này bao gồm việc đánh giá xem công ty có cơ cấu quản trị phù hợp không, cũng như đánh giá chiến lược bền vững tổng thể của những công ty này. Chúng tôi xác định xem việc tài trợ các dự án như ô tô điện hoặc trang trại năng lượng mặt trời có ý nghĩa như thế nào dựa trên những tiêu chí này. Điều này sẽ tạo nên một cấp độ cao của khung đánh giá của chúng tôi, và đó cũng là cách mà chúng tôi tiếp cận việc đánh giá các trái phiếu xanh.
Với kinh nghiệm ở Moody tại nhiều nước trong khu vực và thế giới, ông có những khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường trái phiếu GSS?
Không chỉ đối với chính phủ Việt Nam, mà thông thường, khi quan sát cơ sở hạ tầng và sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh, tất cả các nước trên thế giới đều mong muốn thấy sự tiến bộ đáng kể hơn trong việc định nghĩa các hình thức phân loại, dù đó là phân loại xanh hay phân loại chuyển đổi. Những sự tiến bộ đấy có thể mang lại sự rõ ràng hơn cho các tổ chức phát hành trái phiếu xanh và nhà đầu tư, để từ đó khích lệ họ tham gia tích cực hơn vào thị trường này.
Bên cạnh đó, trái phiếu GSS hiện đang là một lĩnh vực mới và đang ở trong giai đoạn đầu của việc phát triển nên có thể có một số chi phí bổ sung liên quan đến việc phát hành những trái phiếu này. Do đó, Việt Nam cần phát triển những chương trình trợ cấp tương tự ở các nước như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi mà các doanh nghiệp có thể tham gia để giảm bớt gánh nặng tài chính khi tiếp cận thị trường trái phiếu xanh. Đồng thời, Việt Nam cũng cần chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp và nhà phát hành để thúc đẩy thị trường trái phiếu GSS nói chung.