Việt Nam đang triển khai công nghệ thu phí không dừng rất tiên tiến, chủ phương tiện vui vẻ phối hợp
Thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ BIC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn BIC...
Từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC - Electronic Toll Collection). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.
ĐÃ ĐẾN "THỜI" CỦA THU PHÍ KHÔNG DỪNG
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho Chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt…
Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, Nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…
Mặc dù thu phí không dừng có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng trước giờ G, vẫn còn nhiều trục trặc được phát lộ.
Để có cái nhìn toàn cảnh và giúp người dân hiểu rõ, đồng thuận cao hơn với thu phí không dừng, chiều 29/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm “Thu phí không dừng - Quyền lợi và trách nhiệm” vào ngay trước thời điểm dịch vụ thu phí tự động không dừng chính thức triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Tại sự kiện nêu trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, tất cả những tình huống khi áp dụng thu phí không dừng thì Bộ Giao thông vận tải đã lường đến. Mục tiêu của Bộ là tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích khi người dân sử dụng dịch vụ này và người dân ủng hộ, đồng hành để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này.
Do chúng ta mới áp dụng hệ thống này nên trong quá trình sử dụng cũng sẽ có những vấn đề trục trặc xảy ra. Nếu phản ánh của người dân kịp thời thì Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung xử lý.
NGƯỜI DÂN PHỐI HỢP VỚI THU PHÍ KHÔNG DỪNG
Có rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đi vào làn tự động mà không đủ tiền hoặc chót đi rồi thì các đơn vị thu phí có những phương án phối hợp với người dân để xử lý vừa mang tính nhân văn, vừa tôn trọng nhau như hướng dẫn làn xe đưa phương tiện đến nơi dán thẻ ngay. Ông Lê Đình Thọ cho biết, khi chứng kiến không khí vui vẻ này những cảnh này ở các trạm thì cảm thấy tự hào và yên tâm.
“Đến thời điểm này, tuy các chủ phương tiện có thắc mắc, có phản ánh nhưng khi được giải thích, phối hợp thực hiện thì họ rất vui vẻ. Vì thế chúng tôi có niềm tin khi đã làm được những điều đem lại lợi ích cho người dân. Còn những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối, gây mất trật tự thì chúng tôi có chế tài để xử lý theo pháp luật.”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định.
Về phía các doanh nghiệp đang triển khai thu phí không dừng, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC cho biết, số lượng xe ô tô của cả nước là 4,8 triệu xe thì hiện nay số lượng xe dán thẻ là 3,5 triệu xe (của cả 2 đơn vị), tức là đã chiếm 75% số lượng xe trên toàn quốc. Tuy nhiên, khu vực phía nam số lượng xe dán thấp hơn so với khu vực phía bắc. Lý do một phần là trước đây khu vực phía bắc triển khai thu phí không dừng nhiều hơn, số lượng người có nhu cầu dán nhiều hơn.
Cũng theo ông Vinh, chỉ trong ngày hôm qua, VETC khu vực TP HCM đã dán 10.000 xe trên 1 ngày và cả nước là 20.000 xe. Với tốc độ này và cùng công tác tuyên truyền tốt, trong vòng 60 ngày nữa, việc thu phí không dừng sẽ đạt được theo yêu cầu của Chính phủ.
HỆ THỐNG THU PHÍ KHÔNG DỪNG CỦA VIỆT NAM RẤT TIÊN TIẾN
“Thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ BIC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn BIC. Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí không dừng.”, ông Vinh cho biết.
Ông Bùi Trình, Tổng Gíám đốc VDTCcung cấp thông tin, từ 23/12/2020, Bộ Giao thông vận tải đã rất quyết liệt chỉ đạo kết nối, liên thông 2 hệ thống, xe dán thẻ ePass hay xe thẻ của VETC đều có thể liên thông, đi lại qua các trạm thu phí trên toàn quốc và các tuyến cao tốc cho tất cả các phương tiện.
Cũng theo ông Trình, hiện có khoảng việc 3-4% chủ phương tiện đã dán thẻ đăng ký nhưng không có nhu cầu đi vào cao tốc hoặc chưa quen với việc nạp tiền vào thẻ, đơn vị này đã có những dịch vụ hỗ trợ; đặc biệt thời gian gần đây sắp có 4 tuyến cao tốc của VEC thì tỉ lệ gọi tổng đài sẽ gấp 4-5 lần so với ngày thường. Đại diện VDTC nhận định, sắp tới sẽ cần gấp đôi lực lượng nhân sự để hướng dẫn và cải tiến một số tính năng giúp chủ phương tiện dễ dàng nạp tiền và lưu thông qua các trạm thu phí.
Liên quan đến việc đảm bảo cho các tuyến cao tốc thông suốt khi triển khai thu phí không dừng, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 19 và Chỉ thị 39 của Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Trong đó giao cho lực lượng cảnh sát giao thông công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác điều tra cơ bản trên từng tuyến, địa bàn, doanh nghiệp và lưu lượng phương tiện ở các trạm thu phí và dự kiến lắp đặt thu phí không dừng để qua đó có phương án cụ thể, sát với thực tiễn.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cũng lấy công tác tuyên truyền, vận động người dân qua công tác nghiệp vụ của mình để người dân thấy lợi ích của thu phí không dừng, qua đó nắm bắt được vướng mắc, khó khăn của người dân liên quan đến thu phí không dừng để giúp tháo gỡ ngay tại địa bàn cơ sở.