19:14 20/09/2021

Việt Nam hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản

Chu Khôi

Chiều muộn 19/9/2021, tại Cuba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Công nghiệp thực phẩm Cuba đã ký Biên bản Kế hoạch hành động triển khai Dự án hỗ trợ Cuba nuôi trồng thủy sản giai đoạn III...

Làm đất sản xuất nông nghiệp tại Cuba.
Làm đất sản xuất nông nghiệp tại Cuba.

Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Cộng hòa Cuba theo lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel từ ngày 18/9 - 20/09/2021.

ĐƯA NĂNG SUẤT LÚA CỦA CUBA TĂNG GẤP 3 LẦN

Trước lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã có 2 cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba Ydael Jesus Perez Brito và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cuba Manuel Santiago Sabrio Martinez.

Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước của hai bên đặc biệt quan tâm đến hợp tác nông nghiệp trong quan hệ chung giữa 2 nước đã có tình hữu nghị đồng chí, anh em từ lâu.

Trong nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp với phía Cuba triển khai nhiều dự án quan trọng, hỗ trợ Cuba nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tại Cuba.

Kể cả trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn cử chuyên gia sang bám sát thực địa giúp Cuba xây dựng mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao và lúa thương phẩm. 

Điểm nhấn trong thành tựu hợp tác của ngành nông nghiệp hai nước, chính làm Dự án hợp tác Việt Nam – Cuba về phát triển sản xuất lúa gạo, với sự tham dự đông đảo của cán bộ ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia dự án của hai bên. 

Dự án này được khởi đầu từ năm 1999, đã dần trở thành một trong những biểu tượng của quan hệ hợp tác với Việt Nam trong thời kỳ mới.

 
"Dự án phát triển sản xuất lúa gạo đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 5 (từ 2019 đến 2023), với mục tiêu giúp Cuba gieo trồng 200.000 ha lúa gạo với sản lượng bình quân đạt 6 tấn/ha qua đó thỏa mãn được 86% nhu cầu tiêu thụ gạo toàn quốc của Cuba".
Ông Ydael Jesus Perez Brito, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cu Ba.

Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, như tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa cho nước bạn; xây dựng và phát triển mô hình cải tiến tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo vùng không chuyên canh; xây dựng mô hình sản xuất và cung ứng hạt giống lúa; và xây dựng, phát triển mô hình cải tiến tổ chức sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo vùng chuyên canh.

Với sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia Việt Nam, đến thời điểm này, Cuba đã xây dựng được mô hình sản xuất lúa giống các cấp, chất lượng cao và thâm canh lúa thương phẩm quy mô gần 68.000 ha, đưa năng suất lúa trung bình trong mô hình đạt từ 4,0 tấn đến 6,4 tấn/ha, cao nhất có thể đạt 8,07 tấn/ ha (so với năng suất lúa trung bình toàn quốc là 2,4 tấn/ha đến 3,5 tấn/ha).

"Tăng trưởng về năng suất lúa đã giúp Cuba đảm bảo được một nửa nhu cầu lúa gạo trong nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực tại Cuba”, ông Brito khẳng định.

Được sự hỗ trợ của chuyên gia Việt Nam, năng suất cà phê của Cuba cũng đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử. Trên cơ sở mô hình thâm canh do Việt Nam hỗ trợ, phía Cuba đã chủ động triển khai mở rộng diện tích thâm canh cà phê tại nhiều tỉnh theo kỹ thuật Việt Nam.

Đặc biệt, từ các mô hình thâm canh, Cuba đã chuyển dịch dần quy mô trồng cà phê từ vùng núi cao (khó chăm sóc, đi lại khó khăn) xuống vùng thấp hơn.

GIÚP CUBA PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Dự án Hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Cuba đến nay đã kết thúc giai đoạn 2, triển khai từ tháng 3/2014 đến năm 2019. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cuba Martinez đánh giá cao các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản của Việt Nam hỗ trợ Cuba từ năm 2009.

Các dự án này đã giúp Cuba nâng cao năng lực, chuyển giao thành công các công nghệ nuôi thủy sản bao gồm công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính và nhóm cá chép, công nghệ nuôi thương phẩm tôm chân trắng, công nghệ thu gom, ương giống và nuôi thương phẩm tôm hùm Ca-ri-bê.

"Năng suất, sản lượng và chất lượng giống thủy sản của các đối tác Cuba tiếp nhận công nghệ đã tăng lên rõ rệt, đặt biệt là cá rô phi đơn tính với năng suất tăng 20%”, ông Martinez nói.

Theo ông Martinez, trong khuôn khổ dự án, hai bên đã phối hợp tốt để xây dựng bản dự thảo quy hoạch phát triển thủy sản Cuba.

Cuba phát triển ngành thủy sản trên cơ sở tận dụng những hồ nước, đập nước và các khu bảo tồn biển.

Ưu tiên trước mắt của Cuba là nuôi trồng thủy sản nhưng yếu tố quan trọng là phải chọn được giống tốt, môi trường nước sạch, thức ăn đảm bảo và nhất là công nghệ nuôi và chế biến hiện đại để nâng cao hiệu quả và giá trị của ngành thủy sản.

 
"Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Cuba để gia tăng sự hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam đối với các dự án hợp tác đầu tư mới trong lĩnh vực lương thực, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản để Cuba có thể từng bước tự chủ về lương thực".
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cuba đã ký Biên bản Kế hoạch hành động giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Thực phẩm Cuba về việc triển khai Dự án hỗ trợ Cuba nuôi trồng thủy sản giai đoạn III: Gia tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản tại Cuba.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cám ơn sự phối hợp chặt chẽ của đối tác phía Cuba để xây dựng được các mô hình chuyển giao công nghệ hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng thời, hai bên đều khẳng định việc còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp. Phía Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Cuba nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo năng suất, chất lượng cao.

Về hợp tác nông nghiệp và thủy sản, hai bên sẽ triển khai hiệu quả Dự án hợp tác đã được ký kết về phát triển lương thực tại Cuba giai đoạn 2019 - 2023.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị phía Cuba phối hợp để nhân rộng mô hình, thông qua hệ thống khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới nông dân, gắn kết chặt chẽ với đầu tư của các doanh nghiệp.

Với thế mạnh hiện có, phía Cuba cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với Việt Nam để tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và sản xuất chế phẩm sinh học, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bền vững trong sản xuất nông nghiệp.