09:25 08/07/2008

Việt Nam ở đâu trong chuỗi sáng tạo toàn cầu?

Thùy Trang

Lao động giá rẻ chỉ là bước đệm đầu tiên còn nếu dựa trên chiến lược lâu dài về chi phí lao động, Việt Nam sẽ thua!

Điều quan trọng nhất và cần thiết đối với Việt Nam là đầu tư nhiều hơn vào giáo dục để cải thiện trình độ nhân công và cơ sở hạ tầng.
Điều quan trọng nhất và cần thiết đối với Việt Nam là đầu tư nhiều hơn vào giáo dục để cải thiện trình độ nhân công và cơ sở hạ tầng.
“Toàn cầu hoá là một thực tế mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việt Nam cũng không thể tham gia với tư cách nhà sản xuất nữa mà phải là những nhà sáng tạo. Tham gia càng sớm vào quá trình này, tương lai của các thế hệ Việt Nam càng được đảm bảo”.

Đó là lời khẳng định của chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP, TS. Jonathan Pincus, tại Hội thảo tiểu vùng “Chia sẻ kinh nghiệm gia nhập và thực thi cam kết WTO” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (CHLB) Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 07/7/2008.

Theo TS. Jonathan Pincus, lao động giá rẻ chỉ là bước đệm đầu tiên còn nếu dựa trên chiến lược lâu dài về chi phí lao động, Việt Nam sẽ thua! Bởi vì chi phí lao động chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí sản xuất. Điều cấp bách hiện nay là Việt Nam cần nâng cấp chất lượng của nhân công và tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra hiện nay.

Lợi thế giá rẻ không còn chiếm ưu thế

Các công ty lớn ngày càng dành nhiều chi phí cho nghiên cứu phát triển, họ không còn cạnh tranh về giá rẻ nữa mà cạnh tranh trên cơ sở sáng tạo công nghệ. Như vậy, cuộc chơi đã thay đổi. Điều đó có nghĩa là các nước đang phát triển không thể nào cạnh tranh với các công ty khổng lồ của các nước phát triển trên cơ sở giá rẻ. Các nước đang phát triển cần phải đề ra chiến lược mới.

Theo chuyên gia Jonathan Pincus, vào thời điểm 2008, việc các nước đang phát triển theo đuổi chiến lược chaebol của Hàn Quốc là một sai lầm. Thế giới đã thay đổi, điều mà các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam cần làm là phải hội nhập vào hệ thống nghiên cứu và phát triển của quốc tế do các công ty hàng đầu thế giới thống trị hiện nay.

Điều đó có nghĩa là họ phải có khả năng về công nghệ nhiều hơn. Phải tìm ra được lĩnh vực về công nghệ mà có thể làm tốt hơn các công ty khổng lồ đó. “Cần tìm ra thị trường độc đáo của mình”, ông Jonathan Pincus khuyến nghị.

Trung Quốc không có một công ty trong nước nào nằm trong top 300 doanh nghiệp dành chi phí lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, thách thức của Trung Quốc hiện nay là làm thế nào để có thể chuyển những nghiên cứu phát triển vào Trung Quốc để nhân công nước này học cách sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao mà giá rẻ.

Chính vì vậy, điều tối quan trọng trong trường hợp của Việt Nam, theo ông Jonathan Pincus, là phải có sự giúp đỡ từ Chính phủ để các công ty tư nhân có được vị trí trong quá trình sáng tạo vào sản xuất của các công ty toàn cầu. “Việt Nam không thể copy toàn bộ kinh nghiệm của Hàn Quốc để hình thành các chaebol.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể theo bước Trung Quốc trong việc tăng cường cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và phát triển cho các công ty khổng lồ và đưa các công ty của mình thành một phần của chuỗi sáng tạo toàn cầu đó”, chuyên gia của UNDP đề xuất.

Một điều chắc chắn mà ông Jonathan Pincus nhấn mạnh là Việt Nam không thể phát triển được trên cơ sở chiến lược trả lương thấp. Ông giải thích: “Các bạn không thể dựa vào giá nhân công rẻ bởi vì điều hấp dẫn các công ty toàn cầu không phải lương thấp mà là năng suất”. Nhiều người thắc mắc rằng tại sao lương nhân công ở Trung Quốc rẻ thế mà nhiều sản phẩm lại được sản xuất tại Mỹ.

Câu trả lời là năng suất nhân công Mỹ cao gấp 28 lần nhân công của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là lương của nhân công Trung Quốc phải rẻ hơn 28 lần so với lương nhân công Mỹ để cạnh tranh. Điều đó có thể xảy ra đối với những sản phẩm về da giày, may mặc còn với sản phẩm máy tính, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao là không thể.

Tổng chi phí cho lao động trực tiếp tại các nhà máy của các nước đang phát triển chiếm 3-4% giá xuất cảng hoặc chỉ chiếm 0,75% giá bán lẻ. Như vậy, giá nhân công chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí sản xuất, nhiều chi phí quan trọng hơn cần tính đến là đất đai, điện năng, giao thông vận tải, viễn thông... cùng với đó là những rủi ro khi sản xuất ở các nước đang phát triển như: mất điện, tham nhũng...

Ông Pincus cũng đã đưa ra ví dụ cụ thể trong trường hợp của Mexico. Nước này đã từng cạnh tranh với Trung Quốc về hàng may mặc. Tuy nhiên, chi phí cho vận chuyển đường bộ từ Mexico sang Hoa Kỳ lại bằng chi phí vận chuyển đường không từ Mỹ tới Trung Quốc. Và đó là hồi kết của ngành dệt may Mexico.

Việt Nam phải làm gì?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Jonathan Pincus đã đưa tấm gương Ailen. Trong 35 năm, Ailen từ một nước có tỉ lệ mù chữ lớn nhất trở thành nước có tỉ lệ học đại học lớn nhất châu Âu và kết quả là Ailen đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Năm 2003, Dell chiếm 5% GDP của Ailen và cũng trong năm đó nước này trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới. Cách để Ailen đạt được thành tích này là đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng công cộng và đặc biệt hơn là họ đã đầu tư để cải thiện chất lượng giáo dục.

Bài học cho Việt Nam, theo ông Jonathan Pincus, lao động giá rẻ sẽ không thể giúp Việt Nam công nghiệp hoá mà điều quan trọng nhất là chất lượng của nhân công. Hiện nay, Việt Nam cùng các nước láng giềng như Lào và Campuchia đều có chiến lược dựa vào sản xuất hàng hoá sử dụng lao động giá rẻ. Theo vị chuyên gia của UNDP, đây không phải là chiến lược thành công. 

Điều quan trọng nhất và cần thiết đối với Việt Nam là đầu tư nhiều hơn vào giáo dục để cải thiện trình độ nhân công và cơ sở hạ tầng. Ông cũng đề cập đến việc có ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh nước nghèo như Việt Nam chỉ có thể đầu tư vào cấp tiểu học. “Đó là suy nghĩ của những năm trước 1990. Không có lựa chọn nào khác là phải phát triển khả năng nghiên cứu của cấp độ đại học và sau đại Học”, ông Jonathan Pincus nói.

Ông cũng đưa ra một thực tế ở Việt Nam hiện nay, hai trường đại học hàng đầu là Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa gần như không có công trình khoa học nào công bố. “Các công trình khoa học của Việt Nam thấp hơn nhiều Philippines, thua xa Thái Lan và càng thua xa Trung Quốc”. Hơn nữa, các sản phẩm sản xuất công nghệ cao của Việt Nam chỉ chiếm thị phần nhỏ trong GDP của Việt Nam.

Vì vậy, ông Pincus kết luận: “Nếu Việt Nam không sẵn sàng do hệ thống đại học vẫn còn yếu hay khu vực tư nhân không có sự hỗ trợ từ chính phủ để phát triển khả năng nghiên cứu và phát triển, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nhịp độ phát triển hiện nay rất nhanh chóng, sẽ không có cơ hội nào nếu phạm sai lầm”.