01:47 27/06/2024

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI

Phương Hoa

Đó chính là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Kết nối công nghiệp Việt Nam” diễn ra vào chiều ngày 26/6...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam những tháng đầu năm, ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IPA VIETNAM, cho rằng không chỉ riêng Việt Nam mà nền kinh tế toàn cầu nói chung trong 6 tháng đầu năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung, quân sự Nga - Ukraina, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng.

“Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở top tại khu vực Đông Nam Á”, ông Nam bày tỏ.

 KINH TẾ ỔN ĐỊNH DÙ VẪN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Cụ thể, theo phân tích của ngân hàng thế giới (WB), GDP của Việt Nam trong quý 1 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, quý 2 ước đạt tăng 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả năm 2024 là 5,5%. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 156,77 tỷ USD (tăng 15.2% so với cùng kỳ), nhập khẩu đạt 148,76 tỷ USD (tăng 18.2% so với cùng kỳ). “Hoạt động xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam vẫn còn thấp, chủ yếu là từ khối doanh nghiệp FDI”, ông Nam cho hay.

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ đạt 15,51 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu về tổng số vốn đầu tư với 5,73 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản với 1,75 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) đạt  1,73 tỷ USD, và Hàn Quốc đạt 1,46 tỷ USD, Trung Quốc đạt 1.33 tỷ USD...

Về tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư của các nước vào Việt Nam trong thời gian tới, ông Nam dự báo rằng Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát huy lợi thế từ các cam kết thương mại của nước sở tại. Singapore và các nước thứ ba tại Singapore cũng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IPA VIETNAM chia sẻ về xu hướng đầu tư FDI trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc IPA VIETNAM chia sẻ về xu hướng đầu tư FDI trong thời gian tới.

Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng sẽ tập trung đầu tư mạnh vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, đồ gia dụng, công nghệ bán dẫn, ô tô điện... đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. 

Tuy nhiên, đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo là sẽ có xu hướng chậm lại do những vấn đề nội bộ của nền kinh tế tại hai nước này. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề cập rằng đầu tư của các nước Châu Âu tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn chưa nhiều và chậm vì Việt Nam và các nước Châu Âu vẫn có một số điểm chưa tương đồng về văn hóa kinh doanh, chính vì vậy, kế hoạch đầu tư của họ ở Việt Nam vẫn còn ngắn, chỉ trong khoảng từ 3-5 năm.

Theo ông Nam, những lĩnh vực có xu hướng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong thời gian tới đó chính là năng lượng tái tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện, nông nghiệp công nghệ cao và tài chính.

“Lĩnh vực năng tượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá là sẽ thu hút nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới vì Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 và các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trước khi đầu tư vào bất cứ dự án nào”, ông Nam nhấn mạnh.

XU HƯỚNG ĐẦU TƯ VÀO CÁC LĨNH VỰC CỦA VIỆT NAM CỦA DOANH NGHIỆP FDI

Phân tích về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam đối với doanh nghiệp Hồng Kông trong nửa cuối năm 2024 cũng như trong thời gian tới, ông David Jackson, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV) kiêm Tổng giám đốc tại Avison Young Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản đối với các nhà đầu tư Hồng Kông.

Theo đó, trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh và hai phần ba khu công nghiệp đều tập trung ở miền Nam chính là một điểm mấu chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư Hồng Kông trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ về xu hướng đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ về xu hướng đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

“Doanh nghiệp Hồng Kông cũng như các nhà đầu tư toàn cầu khác đang rất quan tâm tới lĩnh vực năng lượng mặt trời của Việt Nam đặc biệt là khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050”, ông Jackson chia sẻ thêm.

Năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng đang là  lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp Pháp. Cụ thể, bà Sophie Mermaz, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCIFV) tại Hà Nội đề cập rằng các doanh nghiệp Pháp có chuyên môn trong các lĩnh vực như năng lượng gió và với nhu cầu ngày càng tăng về các nguồn năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam, các doanh nghiệp này đang lên chiến lược đẩy mạnh và hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Các lĩnh vực triển vọng khác tại Việt Nam mà các nhà đầu tư Pháp đang hướng tới đó chính là ngành dược phẩm, ngành xây dựng và nông nghiệp. Ngoài ra, ngành hàng xa xỉ và thời trang là lĩnh vực mà các thương hiệu Pháp có sự hiện diện mạnh mẽ và một tương lai sáng.

“Sự kết hợp giữa chuyên môn của Pháp và nền kinh tế đang phát triển và nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam tạo nên một tương lai đầy hứa hẹn cho các lĩnh vực này của Việt Nam”, bà Mermaz nói.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và sẽ tiếp tục làm như vậy. Lợi thế này cũng đã giúp cho Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lớn thứ 6 của EU.

“Các quốc gia châu Âu như Hà Lan và Đức không chỉ đầu tư vào các dự án quy mô lớn mà còn tích cực tham gia vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cho thấy các công ty châu Âu có niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam”, bà Mermaz cho hay.

Tương tự, ông Amnat Chulajata, Tham tán Công sư Văn phóng Xúc tiến đầu tư Thái Lan tại Hà Nội cũng chia sẻ rằng các nhà đầu tư Thái Lan đang tích cực mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, điện gió, vật liệu xây dựng. “Không những thế, các doanh nghiệp Thái Lan có thể hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính số (fintech) vì đây cũng là một trong những lời thế của Thái Lan”, ông Chulajata chia sẻ.

Lĩnh vực tiếp theo mà doanh nghiệp Thái Lan đang rất quan tâm đó là khu công nghiệp tiêu chuẩn cao và sản xuất ô tô. Đặc biệt, doanh nghiệp Thái Lan cũng đang rất mong muốn có thể giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng xe hơi trên toàn cầu.