21:05 18/01/2013

Vietnam Airlines sẽ cổ phần hóa trong năm nay

Ngô Trang

Giai đoạn 2012 - 2015, Vietnam Airlines sẽ phải hoàn thành thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp như Techcombank, BMI, HBS

 Sau tái cơ cấu, ngành nghề kinh doanh chính của Vietnam Airlines là vận chuyển hàng 
không đối với hàng khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, thư; 
hoạt động hàng không chung...<br>
Sau tái cơ cấu, ngành nghề kinh doanh chính của Vietnam Airlines là vận chuyển hàng không đối với hàng khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, thư; hoạt động hàng không chung...<br>
Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là Công ty TNHH Một thành viên và sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2013.

Đó là nội dung đáng chú ý trong đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines, giai đoạn 2012 – 2015, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với đề án này, ngành nghề kinh doanh chính của Vietnam Airlines là vận chuyển hàng không đối với hàng khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, thư; hoạt động hàng không chung, bay phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; bảo dưỡng tàu bay, động cơ, phụ tùng, thiết bị hàng không và các thiết bị kỹ thuật khác;…

Công ty mẹ - Vietnam Airlines sẽ có các đơn vị phụ thuộc, gồm: Đoàn bay 919; Đoàn tiếp viên; Trung tâm khai thác Nội Bài; Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất; Công ty Bay dịch vụ Hàng không (Vasco); các chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước; Trung tâm huấn luyện bay; Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nghề hàng không; Tạp chí Heritage.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO). Có 8 công ty Vietnam Airlines sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, gồm: Công ty TNHH Giao nhận hàng hoá thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận hàng hoá Tân Sơn Nhất, Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines, Công ty Cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hoá Nội Bài, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài, Công ty Cổ phần Tin học và Viễn thông hàng không và Công ty Cổ phần Đào tạo bay Việt.

Có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, trong đó Vietnam Airlines sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu hàng không (Vinapco), Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Đà Nẵng và Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất.

Đề án cũng yêu cầu Vietnam Airlines nắm giữ trên dưới 50% vốn điều lệ của 13 doanh nghiệp khác có liên quan đến ngành nghề chính của Tổng công ty, trong đó đáng chú ý có một số doanh nghiệp như: Hãng hàng không Cambodia Angkor Air, Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC), Công ty Cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI)…

Đáng chú ý, trong đề án, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải giải quyết các đề nghị của Vietnam Airlines về bảo lãnh vay vốn cho các dự án mua tàu bay và xử lý các khoản lỗ lũy kế nhằm tái cấu trúc Jetstar Pacific Airlines.

Liên quan đến việc thoái vốn, đề án đặt ra trong giai đoạn 2012 - 2015, Vietnam Airlines sẽ phải hoàn thành thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Công ty Cổ phần Chứng khoán Hoà Bình (HBS), Công ty Cổ phần Nhựa cao cấp hàng không), Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không (AIRSERCO); Công ty Cổ phần Đầu tư hàng không, Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận hàng không, Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT); Công ty Cổ phần Khách sạn hàng không và cổ phiếu France Telecom.