Vinatex là minh chứng tốt của doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối
Năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn cho dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu hồi phục, vì vậy Tập đoàn dệt may Việt Nam cần tập trung ưu tiên đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, cải thiện vị trí tập đoàn trong chuỗi cung ứng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2023 của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), ngày 26/12, ông Nguyễn Hoàng Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh, Vinatex là hình ảnh minh chứng tốt của doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối trong ngành có đến trên 99% là doanh nghiệp tư nhân và FDI.
NỖ LỰC HIỆU QUẢ TRONG THỊ TRƯỜNG THẮT CHẶT
Lãnh đạo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao kết quả ổn định việc làm cho hơn 150 nghìn lao động của Vinatex, nhất là trong quý 4/2022 khi toàn bộ các ngành xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ… nhiều doanh nghiệp liên tục cắt, dừng, hoãn hợp đồng lao động.
Trong bối cảnh này, Vinatex không chỉ đảm bảo việc làm bình thường cho người lao động, mà với mức lương bình quân đạt xấp xỉ 9,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021.
Đặc biệt, lại là năm có tốc độ tăng thu nhập cao nhất 7 năm qua, thưởng Tết bình quân 1,5-2 tháng lương thực sự là một nỗ lực đáng ghi nhận. Đồng thời là hình ảnh minh chứng tốt của doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối trong ngành có đến trên 99% là doanh nghiệp tư nhân và FDI.
Mặt khác, trong sản xuất kinh doanh, với doanh thu hợp nhất 19.535 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2021 cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của ngành (xấp xỉ 11%). Hiệu quả của doanh nghiệp vẫn duy trì được ở mức gần 1100 tỷ đồng, tuy thấp hơn năm 2021 trên 20% nhưng vượt kế hoạch cổ đông giao 14,6%.
“Đây cũng là một kết quả được đánh giá có nhiều nỗ lực một cách hiệu quả trong điều kiện thị trường thắt chặt một cách bất ngờ”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trải nghiệm năm 2022 là một trải nghiệm nhiều áp lực nặng nề, có thể nói là kém vui với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Chỉ trong 2 quý cuối năm, nhất là quý 4 tình hình đảo chiều 180 độ, thị trường thay đổi từng tuần…
Trong bối cảnh đó, Uỷ ban quan tâm, khuyến khích mô hình hoạt động của Tập đoàn với các nhóm nghiên cứu dự báo về thị trường, kinh tế vĩ mô tại các quốc gia là thị trường chính, các quốc gia cạnh tranh của tập đoàn. Cùng đó là nỗ lực xây dựng môi trường công ty học tập, Uỷ ban đánh giá cao nỗ lực đào tạo nội bộ của tập đoàn để có nguồn kế cận.
Không chỉ vậy, Tập đoàn còn đi những bước đầu tiên trong thực hiện chiến lược “Một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói cho ngành dệt may, thời trang xanh”, trong đó có năng lượng tái tạo bằng điện áp mái, sản xuất sợi – vải từ nguyên liệu tái chế, nguyên liệu hữu cơ…
Đây là những hướng đi cho tương lai, phù hợp chủ trương của Chính phủ trong thực hiện cam kết giảm phát thải carbon, hướng tới zero carbon vào 2050, xây dựng ngành dệt may bền vững, bảo vệ môi trường, định hướng đi vào kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực đang đứng thứ 3 toàn cầu về phát thải rắn do quần áo cũ…
TỪNG BƯỚC CÓ SẢN PHẨM TUẦN HOÀN
Mặc dù vậy, bên cạnh những thành công nhất định của năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Anh thẳng thắn cho rằng Vinatex vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, hạn chế. Đó là chuỗi cung ứng nội bộ còn nhỏ, mặt hàng còn giản đơn, xuất phát mới chỉ có sản phẩm dệt kim căn bản là chủ yếu.
Hơn nữa, tỷ trọng sản xuất xanh, nguyên liệu xanh, năng lượng xanh còn rất nhỏ trong tổng thể. Tỷ lệ trang thiết bị công nghệ hiện đại, đã chuyển đổi số còn ít, đổi mới chậm. Hạ tầng quản lý chung của doanh nghiệp còn thấp, chưa đạt chuẩn kết nối toàn diện với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, nhân lực, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội vẫn là các thách thức với cả yêu cầu trong nước và quốc tế. Quy mô vốn chủ sở hữu còn nhỏ so với yêu cầu phát triển sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn thời gian tới.
Theo lãnh đạo Uỷ ban, năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, nhu cầu thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, khó dự báo xa. Chính vì vậy, Uỷ ban yêu cầu lãnh đạo và người lao động Vinatex, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại Vinatex cần tập trung ưu tiên cho đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động, đồng thời giữ, cải thiện tốt hơn vị trí của tập đoàn trong các chuỗi cung ứng.
Giữ ổn định tình hình tài chính, dòng tiền để đảm bảo phục vụ sản xuất liên tục. Đẩy nhanh tốc độ số hoá và chuyển đổi số quá trình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp thành viên cho phù hợp với yêu cầu mới của thị trường, tạo chuỗi giá trị nội tại hiệu quả cao.
Ngoài ra, ông Hoàng Anh yêu cầu tập đoàn cần tăng tốc thực hiện chiến lược sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt theo hướng sản xuất xanh, bền vững, từng bước có sản phẩm tuần hoàn.
Thêm nữa, Vinatex cần đa dạng hoá nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tăng tốc quá trình đổi mới đúng vào thời điểm có chuyển dịch toàn cầu sang mô hình kinh tế tuần hoàn, không để lỡ thời cơ bước lên bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.