VN-Index có thể về mốc 1.300 điểm, điều chỉnh là cơ hội mua vào?
Nhiều khả năng chỉ số sẽ tìm điểm cân bằng vùng hỗ trợ gần 1.350 và xa hơn là 1.300 điểm, tuy nhiên, nhịp điều chỉnh này không ảnh hưởng đến xu hướng tăng trung hạn của VN-Index...
Sau khi tăng ròng rã 4 tháng liên tiếp, thị trường đã rơi vào điều chỉnh phiên thứ 2. Chốt phiên giao dịch hôm 8/6, chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 giảm tương ứng 38.9 điểm (-2.86%) và 45.13 điểm (-3.04%) về còn 1.319,88 điểm và 1.438,97 điểm khi đóng cửa. Áp lực điều chỉnh diễn ra trên diện rộng, nhưng tập trung mạnh hơn ở các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây như Ngân hàng, Chứng khoán và Dầu khí.
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia chiến lược đầu tư của SSI Research cho rằng: Công cụ phân tích định lượng và kỹ thuật mô hình sóng Elliott cho thấy chỉ số VN-Index điều chỉnh ngắn khi tiến vào vùng cản 1.350 - 1.400 điểm. VN-Index điều chỉnh ở vùng này nhiều khả năng chỉ số sẽ tìm điểm cân bằng vùng hỗ trợ gần 1.350 và xa hơn là 1.300 điểm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý nhịp điều chỉnh này không ảnh hưởng đến xu hướng tăng trung hạn của VN-Index khi chỉ số và thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được động lực tích cực về dòng tiền nhà đầu tư và các yếu tố cơ bản như môi trường lãi suất thấp, kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021.
VN-Index đã tăng rất tốt trong giai đoạn cuối tháng 5 đầu tháng 6, chỉ số hiện tại cho mức sinh lời trên 24% ấn tượng so với kênh đầu tư khác như ngân hàng, cùng với đó là sự bùng nổ thanh khoản của thị trường giao dịch trên HOSE chính thức vượt qua mốc 30.000 tỷ đồng.
Có hai động lực chính nâng thị trường: Thứ nhất, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước đóng góp lớn về mặt thanh khoản, so với trước Covid - đầu 2020, nhà đầu tư cá nhân trong nước chỉ giao dịch 2.000 - 3.000 tỷ đồng thì bây giờ giao dịch trên 20.000 tỷ đồng, giao dịch nhà đầu tư cá nhân còn nâng đỡ thị trường trước tình trạng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, dòng tiền tham gia vào thị trường dựa trên kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt câu chuyện tăng vốn giai đoạn 2021 - 2022 của doanh nghiệp các nhóm chứng khoán, bất động sản, ngân hàng.
Với kịch bản hiệu chỉnh của thị trường chứng khoán tháng 6 thì nhà đầu tư nên chuẩn bị gì? Theo ông Tâm, giai đoạn hiện tại, đặc biệt bối cảnh có khả năng điều chỉnh của thị trường thì nhà đầu tư phải chuẩn bị kỹ. Thứ nhất, xác định phong cách đầu tư, đây cũng là điều nhà đầu tư phải chuẩn bị trước khi đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Khi trả lời câu hỏi anh là nhà đâu tư dài hạn hay ngắn hạn thì sẽ có bước đi phù hợp. Nếu là nhà đầu tư dài hạn có thể canh nhịp điều chỉnh của thị trường và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Còn với nhà đầu tư ngắn hạn thì cần nhạy hơn với thị trường, hoàn toàn có thể chốt lời vùng mục tiêu, mua lại khi cổ phiếu hay thị trường cho tín hiệu mua vùng thấp hơn.
Thứ hai, nhà đầu tư phải nắm bắt xác định trạng thái thị trường thế nào, cần sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật để xác định thị trường đang trong xu hướng tăng giảm hay đi ngang, khả năng kiếm tiền trong xu hướng tăng giá thì dễ hơn, và trong xu hướng tăng dài thì nhịp điều chỉnh hình thành vùng mua hợp lý.
Thứ ba, xác định điểm dừng lỗ hoặc chốt lời, có thể bảo toàn lợi nhuận trong bối cảnh thị trường yếu đi.
Cuối cùng là yếu tố tâm lý. Nhà đầu tư thường mất tiền, thua lỗ danh mục do một phần tâm lý yếu trước thông tin nhiễu trên thị trường và biến động ngắn hạn của VN-Index hay cổ phiếu trong danh mục. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể áp dụng 3 yếu tố ở trên để xây dựng phương pháp đầu tư tốt, kỷ luật với phương pháp của mình, cải thiện tâm lý tốt hơn, vững vàng hơn trong biến động của thị trường đặc biệt là trong ngắn hạn.
Về chiến lược đầu tư tháng 6, theo ông Tâm, đối với nhóm ngân hàng không khuyến nghị mua mới, nhà đầu tư có thể canh nhịp hạ tỷ trọng. Một số cổ phiếu có thể nắm giữ trong tháng 6 như FPT, PTB, GVR, GAS… dựa trên xu hướng tăng giá của các mặt hàng và kết quả kinh doanh sẽ sớm được công bố trong quý 2.