VN-Index thủng mốc 1250 điểm, thanh khoản bắt đầu tăng
Sức ép bán ra có tín hiệu mạnh lên, độ rộng chỉ số từ sau 10h30 bắt đầu vượt trội ở phía giảm giá. VN-Index thủng mốc 1250 điểm từ khoảng 10h55 và số lượng cổ phiếu giảm giá bắt đầu áp đảo hoàn toàn. Giao dịch trên HoSE cũng tăng hơn 22% so với phiên trước, xác nhận có biểu hiện hạ giá...
Sức ép bán ra có tín hiệu mạnh lên, độ rộng chỉ số từ sau 10h30 bắt đầu vượt trội ở phía giảm giá. VN-Index thủng mốc 1250 điểm từ khoảng 10h55 và số lượng cổ phiếu giảm giá bắt đầu áp đảo hoàn toàn. Giao dịch trên HoSE cũng tăng hơn 22% so với phiên trước, xác nhận có biểu hiện hạ giá.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 4,62 điểm tương đương -0,37% so với tham chiếu. Chỉ số vẫn có một nhịp tăng, dù yếu, đạt đỉnh lúc 9h45 trên tham chiếu 3,7 điểm. Mặc dù đã thủng mốc 1250 điểm (còn 1.247,09 điểm) nhưng vẫn chưa thấp hơn mức thấp nhất của phiên ngày 11/9 vừa qua (1.244,79 điểm). Nếu phiên chiều thị trường phục hồi trở lại tích cực thì nhịp giảm này vẫn được xem là một nhịp kiểm định ngưỡng hỗ trợ.
Dù vậy không thể phủ nhận thị trường sáng nay yếu. Lúc đạt đỉnh, VN-Index có 197 mã tăng/111 mã giảm. Khi chỉ số bắt đầu đỏ lúc 10h40, ghi nhận 154 mã tăng/185 mã giảm. Kết phiên sáng sàn HoSE chỉ còn 115 mã tăng/252 mã giảm. Rõ ràng là chỉ số trượt dốc có sự phù hợp về độ rộng, thể hiện diễn biến giảm giá xuất hiện khắp bảng điện.
VN30-Index đang giảm 0,33%, chỉ với 6 mã tăng/22 mã giảm, trong đó 7 mã giảm quá 1%. Khá may mắn là trong top 10 vốn hóa thị trường chỉ có CTG giảm 1,15%, VHM giảm 1,4%, GAS giảm 1,21%. Rơi sâu nhất rổ VN30 là POW, đang mất 1,56%. Cổ phiếu này đã chính thức phá đáy hồi tháng 7 vừa qua. Phía tăng rổ VN30 chỉ có TCB tăng 1,13% và SSB tăng 3,61% là đáng kể.
Toàn sàn HoSE ghi nhận 71 cổ phiếu đang giảm từ 1% trở lên và nhóm này chiếm hoảng 27,6% tổng giá trị khớp của sàn. Cổ phiếu blue-chips chiếm hầu hết thanh khoản như MSN giảm 1,08% khớp 157,1 tỷ; MWG giảm 1,19% khớp 140,5 tỷ; VHM giảm 1,4% khớp 132,5 tỷ; CTG giảm 1,15% khớp 105,8 tỷ. Ngoài ra là một số mã tầm trung như HCM giảm 2,23%, VCI giảm 1,95%, PDR giảm 1,86%, FTS giảm 1,59%...
Sức ép từ phía bán cũng thể hiện tương đối rõ trong nhóm thanh khoản hàng đầu. HoSE ghi nhận 13 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch khớp lệnh từ 100 tỷ đồng trở lên thì duy nhất DPM tăng 1,27% và TCB tăng 1,13%, còn lại đều đỏ. Dĩ nhiên không phải tất cả trong số 11 mã còn lại đều giảm mạnh, nhưng việc không duy trì được giá trên tham chiếu cũng là một biểu hiện yếu, nhất là khi độ rộng thể hiện sự áp đảo hoàn toàn ở phía đỏ.
Bên tăng giá vẫn đang có 115 mã đi ngược dòng nhưng giao dịch rất yếu. Nhóm tăng tốt nhất từ 1% trở lên có 32 mã, chỉ chiếm 10,4% tổng thanh khoản sàn, do đại đa số là những mã ít giao dịch. NAB tăng 4,24% với 70,6 tỷ; BMP tăng 2,59% với 33,5 tỷ; DPM tăng 1,27% với 157,1 tỷ; AAA tăng 1,13% với 11,4 tỷ; TCB tăng 1,13% với 128,3 tỷ và DPG tăng 1,12% với 46,2 tỷ là những cổ phiếu đáng kể nhất.
Áp lực bán hạ giá khá rõ sáng nay góp phần đẩy thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng gần 21% so với phiên trước, đạt 5.014 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE thanh khoản tăng 22% đạt 4.728 tỷ đồng. Điều này cho thấy để thanh khoản cải thiện chỉ có thể là sự chủ động từ bên bán, vì người cầm tiền phần lớn là cài lệnh mua giá thấp để chờ đợi.
Khối ngoại cũng đang giao dịch chán nản với mức bán ròng nhẹ 17,6 tỷ đồng trên HoSE. Cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất là MWG -32,6 tỷ, VCI -28,4 tỷ, HSG -27,2 tỷ. Phía mua có TCB +40,4 tỷ, NAB +30 tỷ là nhiều.
Diễn biến suy yếu với nền thanh khoản rất thấp một phần là do thị trường không có động lực để dòng tiền vận động nhiệt tình hơn. Thị trường tuần này chờ đợi cuộc họp của FED về lãi suất cũng như đáo hạn phái sinh nên cung cầu trở nên mong manh. Bất kỳ thời điểm nào một bên mạnh hơn chút ít cũng có thể thay đổi màu giá.