15:38 01/11/2021

VN30-Index bốc hơi hơn 1%, cổ phiếu nhỏ trần “cứng”

Kim Phong

Các blue-chips tiếp tục gây thất vọng lớn chiều nay khi rổ VN30 thu hẹp độ rộng rất nhanh. Ngược lại, dòng tiền liên tục đổ vào các cổ phiếu nhỏ, đẩy thanh khoản nhóm này lên ngưỡng kỷ lục mới...

VN30-Index và VNSmallcap-Index ngược dòng hôm nay.
VN30-Index và VNSmallcap-Index ngược dòng hôm nay.

Các blue-chips tiếp tục gây thất vọng lớn chiều nay khi rổ VN30 thu hẹp độ rộng rất nhanh. Ngược lại, dòng tiền liên tục đổ vào các cổ phiếu nhỏ, đẩy thanh khoản nhóm này lên ngưỡng kỷ lục mới.

Thực ra hôm nay thanh khoản tăng cao ở tất cả các nhóm cổ phiếu, nhưng động lực hình thành thanh khoản lại trái ngược. Trong khi VN30 tăng vọt giao dịch do nhà đầu tư xả mạnh thì các mã vốn hóa nhỏ lại được mua dữ dội.

VN30-Index chốt phiên sáng mới giảm 0,42%, đến chiều càng về cuối càng lao dốc nặng hơn. Kết phiên chỉ số này giảm 1,02% so với tham chiếu. Độ rộng từ chỗ 12 mã tăng/15 mã giảm, kết phiên chỉ còn 7 mã tăng/20 mã giảm. Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy đà suy yếu lan rộng ở nhóm blue-chips.

VN-Index vẫn có trụ, đó là CTG tăng 2,22%, SAB tăng 0,93%, nhưng hiệu quả không cao. Chỉ số này từ sau 2h chiều thì lao dốc hẳn, thậm chí lúc tạo đáy giảm tới 0,6% trước khi hồi nhẹ về cuối, còn giảm 0,37%. Điểm tốt duy nhất là độ rộng tổng thể sàn HoSE còn khá, với 216 mã tăng/249 mã giảm. Đại đa số các mã tăng nằm trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Tưng bừng nhất là các mã vốn hóa nhỏ. Chỉ số VNSmallcap đóng cửa tăng 1,19% với 24 cổ phiếu kịch trần. Đặc biệt, dòng tiền nổi trội ở nhóm này với 6.179,4 tỷ đồng, tăng gần 5% so với phiên trước và lại lập kỷ lục mới. Rổ Midcap cũng tăng khá tốt, chỉ số chốt phiên trên tham chiếu 1,29% nhưng độ rộng chỉ phân hóa, không tăng áp đảo như rổ smallcap. Thanh khoản của rổ Midcap cũng tăng 19%, đạt 10.546 tỷ đồng. Tuy vậy Midcap chưa vượt qua được kỷ lục lịch sử gần 12.900 tỷ đồng hôm 20/8 vừa qua.

Rổ VN30 cũng tăng thanh khoản khoảng 18%, đạt 11.876 tỷ đồng. Tuy nhiên với đại đa số cổ phiếu sụt giá sâu hơn phiên sáng và đóng cửa ở mức thấp trong ngày, lực bán đã hoàn toàn chủ động đẩy thanh khoản lên.

HPG vẫn là cổ phiếu bị xả dữ dội nhất phiên chiều, giao dịch tăng thêm khoảng 2.545 tỷ đồng nữa, đẩy thanh khoản hôm nay lên cao nhất 2 tháng. Dưới sức ép của mức thanh khoản khổng lồ này, HPG trượt giảm mạnh hơn về cuối phiên, đóng cửa giảm 2,54% so với tham chiếu, sâu hơn nhiều mức -1,4% cuối phiên sáng.

MSN, GAS, VPB, VHM... cũng nằm trong số lao dốc khá thảm. MSN từ mức giảm 2,19%, đổ đèo chốt phiên giảm 3,58%; GAS sáng còn tăng sau đó trụ được tham chiếu, đến hết ngày -2,57%; VHM tuy đóng cửa chỉ giảm 1,4%, nhưng buổi sáng có lúc tăng 1,64%... Tập hợp các cổ phiếu lao dốc mạnh này đã tạo sức ép quá lớn lên VN30-Index kết hợp với thanh khoản được đẩy cao.

Cổ phiếu nhỏ vẫn tăng cực mạnh hôm nay.
Cổ phiếu nhỏ vẫn tăng cực mạnh hôm nay.

Ngược lại các mã nhỏ nhận được lực cầu mạnh mẽ đi ngược dòng với VN-Index. Chỉ số Midcap lẫn Smallcap duy trì độ cao ổn định phiên chiều, vượt qua những nhịp giảm cùng thời điểm với VN30-Index nhưng chốt phiên tốt hơn đáng kể. Toàn sàn HoSE có 38 mã kịch trần. Nếu coi số mã trần này là “nhiệt kế” của dòng vốn đầu cơ thì hôm nay bất chấp VN-Index, VN30-Index giảm, nhóm vốn hóa nhỏ còn “sốt” cao nhất trong vòng 6 tuần.

Nhóm cổ phiếu tưng bừng nhất hôm nay thuộc về các mã chứng khoán. Có 8 mã cổ phiếu nhóm chứng khoán trên cả 3 sàn tăng kịch trần và tính chung nhóm, không có mã nào giảm giá. Cổ phiếu chứng khoán “yếu” nhất là CSI cũng tăng tới 1,73%. Nhóm blue-chips cũng mạnh: SSI tăng 2,22%, HCM tăng 3,4%, VCI tăng 6,08%, VND tăng 3,68%, MBS tăng 4,87%, SHS tăng 4,94%.... Nhóm chứng khoán cũng đóng góp 3/10 mã thanh khoản cao nhất hai sàn niêm yết, là SSI, VCI và VND.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng gây sốc với việc “trở mặt” bán ròng 1.267 tỷ đồng trên HoSE. HPG bị xả ròng tới 225 tỷ đồng, NLG khoảng 164 tỷ, SSI trên 155 tỷ, MSN xấp xỉ 124 tỷ, VNM đạt 119 tỷ. Nhóm VND, VHM, KDH, PAN, VRE, HSG bị xả ròng đều trên 50 tỷ. Như vậy sau “tuần trăng mật” vừa qua được mua ròng gần 175 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE, khối này đã xả ra còn lớn hơn.