14:00 02/10/2023

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì đà tăng

Khánh Vy

Môi trường đầu tư thuận lợi tiếp tục là yếu tố “hút” nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án đầu tư mới và giải ngân vốn đầu tư trong tháng 9/2023. Điều này giúp dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam được duy trì tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường...

Các dự án quy mô khủng tiếp tục đẩy dòng vốn FDI tăng mạnh.
Các dự án quy mô khủng tiếp tục đẩy dòng vốn FDI tăng mạnh.

Một dự án với quy mô “khủng” lên tới 500 triệu USD vừa được Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao ECOVANCE của Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Đây là nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Ồ ẠT DỰ ÁN ĐĂNG KÝ MỚI

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ được khởi công từ giữa tháng 12/2023 và hoàn thành xây dựng trong 9 tháng. Khi đi vào hoạt động giai đoạn 1, công suất dự kiến khoảng 35.000 tấn sản phẩm và sau khi mở rộng giai đoạn 2, công suất toàn dự án sẽ là 70.000 tấn/năm.

Theo ông Woncheo Park, Giám đốc điều hành Tập đoàn SKC (thuộc Tập đoàn SK), lý do khiến SK tin tưởng rót vốn vào Hải Phòng là bởi “Hải Phòng là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng hiện đại, có cơ chế thu hút đầu tư tốt”.

Không chỉ với SK, ngoài dự án quy mô “khủng” này, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng còn đón thêm 4 dự án khác, đó là: Dự án mở rộng đầu tư dự án về xây dựng kho chứa, bồn chứa của Công ty TNHH công nghiệp Soft, Nhật Bản (tăng vốn thêm 15,2 triệu USD); Dự án sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ôtô của nhà đầu tư Daimay Investment, Hồng Kông (Trung Quốc) (cấp mới 15 triệu USD); Dự án kho chứa, bồn bể của Công ty TNHH Top Solvent Việt Nam (Thái Lan), tăng vốn 12,8 triệu USD; Dự án sản xuất thiết bị quang học của nhà đầu tư Goodwe Singapore (cấp mới 10 triệu USD).

Đây đều là các dự án đến từ các nước có nền công nghiệp hóa rất cao, có hàm lượng công nghệ sản xuất tiên tiến, trình độ và năng lực quản lý hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của thế giới về sản xuất thân thiện môi trường.

Không chỉ Hải Phòng, Nghệ An hiện nay cũng là một trong những địa phương đang “nổi” lên trong thu hút những dự án đầu tư quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Lần đầu tiên, thu hút FDI của địa phương này (tính đến 20/9/2023) vươn lên vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là hơn 1,272 tỷ USD (tăng 2 bậc so với tháng 8/2023).

Với việc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive quang học Vina cho Tập đoàn Sunny với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD vào ngày 20/9/2023, tổng vốn thu hút FDI của Nghệ An đã vượt mốc 1 tỷ USD.

Điều đáng nói là Tập đoàn Sunny bắt đầu nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư tại Nghệ An từ đầu tháng 7/2023. Sau 2 tháng, Sunny đã quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư tại Khu công nghiệp WHA và nộp hồ sơ đề xuất thực hiện dự án vào ngày 12/9/2023. Chỉ sau 1 tuần kể từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất đầu tư, các thủ tục hồ sơ đã được hoàn tất, ngày 20/9/2023, tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án này. Điều này cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ban, ngành tỉnh Nghệ An trong việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Với những dự án đăng ký mới cũng như tăng thêm vốn đầu tư liên tục được cấp chứng nhận, thu hút vốn FDI trong tháng 9/2023 đạt hơn 2,06 tỷ USD, cao hơn so với mức 1,91 tỷ USD trong tháng 8/2023. Nhờ đó, tổng vốn FDI trong 9 tháng năm 2023 đã vượt mốc 20 tỷ USD, đạt mức 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023, song vẫn giảm nhẹ so với 8 tháng đầu năm (0,5 điểm phần trăm).

VỐN ĐĂNG KÝ ĐƯỢC DUY TRÌ, VỐN THỰC HIỆN ĐẠT KỶ LỤC

Điểm lưu ý trong bức tranh thu hút FDI 9 tháng là ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 9 tháng có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ) và 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,9% so với cùng kỳ) với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ).

Trái ngược với đà tăng của vốn đăng ký mới và vốn góp mua cổ phần, vốn đăng ký điều chỉnh của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng giảm khá mạnh so với cùng kỳ (37,3%) với mức giảm 5,15 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm mạnh trong 9 tháng nhưng so với các tháng trước, xu hướng này đã có sự cải thiện so với mức giảm 39,7% trong 8 tháng; mức giảm 42,5% trong 7 tháng; mức giảm 57,1% trong 6 tháng; mức giảm 59,4% trong 5 tháng và 68,6% trong 4 tháng; mức giảm 70,3% trong 3 tháng và mức giảm 85,2% trong 2 tháng đầu năm 2023.

Ngoài ra, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Hạ tầng tốt là một trong những yếu tố hút nhà đầu tư nước ngoài.
Hạ tầng tốt là một trong những yếu tố hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, vốn giải ngân FDI tiếp tục tăng 2,2% so với cùng kỳ và tăng 0,5 điểm phần trăm so với 8 tháng đầu năm với mức 15,91 tỷ USD. Đây cũng là mức giải ngân cao kỷ lục 9 tháng giai đoạn 2018-2023. Điều này cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

SẼ CÓ LÀN SÓNG ĐẦU TƯ CHẤT LƯỢNG CAO

Theo nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương cũng như liên vùng đã được khởi công. Đây là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư, vì khi quyết định chọn địa điểm đặt nhà máy sản xuất, các tập đoàn lớn đều nhìn vào hạ tầng như là điều kiện đầu tiên.

Việc giảm thủ tục hành chính cũng được nhiều địa phương quyết tâm thực hiện, như TP.HCM thành lập lại cơ chế một cửa ở khu công nghiệp để tránh tình trạng nhà đầu tư phải đi “nhiều cửa”, đồng thời cho doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành. Trong khi đó, Bình Dương thực hiện tất cả các thủ tục trực tuyến liên quan đến doanh nghiệp từ năm 2023.

Tại Vĩnh Phúc, địa phương này cũng đang đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động Tổ công tác của Chủ tịch tỉnh nhằm thúc đẩy đầu tư và xúc tiến đầu tư hiệu quả...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì đà tăng - Ảnh 1