08:55 31/03/2016

Vốn lại chảy mạnh vào các thị trường mới nổi

Diệp Vũ

Cú tăng mạnh của dòng vốn vào các thị trường mới nổi cho thấy sự đảo ngược của tâm lý ngại rủi ro

Trong tháng 3, lượng vốn ròng chảy vào thị trường chứng khoán và trái 
phiếu các nền kinh tế mới nổi đạt gần 37 tỷ USD, mức cao nhất trong 21 
tháng - Ảnh: WSJ/EPA.<br>
Trong tháng 3, lượng vốn ròng chảy vào thị trường chứng khoán và trái phiếu các nền kinh tế mới nổi đạt gần 37 tỷ USD, mức cao nhất trong 21 tháng - Ảnh: WSJ/EPA.<br>
Giới đầu tư quốc tế lại đang rót mạnh vốn vào các thị trường mới nổi, tờ Financial Times dẫn số liệu mới được Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho biết.

Theo đó, trong tháng 3, lượng vốn ròng chảy vào thị trường chứng khoán và trái phiếu các nền kinh tế mới nổi đạt gần 37 tỷ USD, mức cao nhất trong 21 tháng.

Cú tăng mạnh này của dòng vốn vào các thị trường mới nổi cho thấy sự đảo ngược của tâm lý ngại rủi ro - nhân tố đã dẫn tới sự tháo chạy của dòng vốn vào các thị trường này trong 7 tháng liên tiếp tính đến tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cấp cao Robin Koepke của IFF lo ngại rằng các thị trường mới nổi có thể chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, bởi tâm lý của giới đầu tư chủ yếu vẫn đang chịu tác động bởi những kỳ vọng về đường đi lãi suất của Mỹ.

“Trong bối cảnh còn chưa có sự cải thiện nhiều về triển vọng kinh tế căn bản ở các thị trường mới nổi, thì sự gia tăng của dòng vốn chảy vào các thị trường này trong tháng 3 có vẻ chủ yếu xuất phát từ tâm lý chuyển sang ham thích rủi ro của giới đầu tư và mức lãi suất thấp hơn tại các thị trường phát triển. Sự gia tăng dòng vốn này cũng được hỗ trợ bởi những tín hiệu mềm mỏng bất ngờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp hôm 16/3”, ông Koepke nói.

“Trong thời gian tới, tình hình có thể trở nên khó khăn hơn một chút. Các thị trường đã chững lại trong mấy ngày gần đây, một phần vì các quan chức FED giảm bớt sự mềm mỏng trong các phát biểu của họ, và cũng do mức định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn”.

Lượng vốn chảy ròng vào các thị trường mới nổi tăng vọt trong 2 ngày sau cuộc họp hôm 16/3 của FED. Trong đó, dòng vốn xuyên biên giới chảy vào 7 thị trường mới nổi lớn có công bố dữ liệu đầu tư danh mục hàng ngày đạt 2 tỷ USD mỗi ngày - IIF cho biết.

Tuy nhiên, trong 6 ngày giao dịch liên tiếp trước kỳ nghỉ Phục sinh, khi một số quan chức FED nói về khả năng tăng lãi suất trong tháng 4 hoặc tháng 6, dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi chỉ có hai ngày ở mức dương.

Mặc dù vậy, IIF ước tính lượng vốn nước ngoài chảy ròng vào thị trường chứng khoán và trái phiếu các nền kinh tế mới nổi đạt 36,8 tỷ USD trong tháng 3, mức cao nhất từ tháng 6/2014. Mức rót vốn này cao hơn nhiều so với lượng vốn ròng trung bình 22 tỷ USD/tháng chảy vào các thị trường mới nổi trong thời kỳ các thị trường này tăng trưởng bùng nổ 2010-2014.

Trong đó, lượng vốn ròng chảy vào trái phiếu là 18,9 tỷ USD và chảy vào chứng khoán là 17,9 tỷ USD.

Khu vực châu Á chiếm 20,6 tỷ USD, tương đương hơn một nửa lượng vốn ròng chảy vào các thị trường mới nổi trong tháng 3. Theo ông Koepke, mức vốn lớn mà khu vực châu Á thu hút được một phần là nhờ giới đầu tư nước ngoài đổ xô mua chứng khoán Hàn Quốc sau khi giá cổ phiếu ở nước này đã liên tục giảm mạnh trước đó.

Dòng vốn ròng chảy vào các thị trường mới nổi ở Mỹ Latin trong tháng 3 đạt khoảng 13,4 tỷ USD. Trong đó, 2 tỷ USD được rót vào thị trường Brazil, nơi giá cổ phiếu hấp dẫn và các nhà đầu tư hy vọng về một sự thay đổi chính trị trong bối cảnh vụ bê bối tham nhũng mà Tổng thống Dilma Rousseff bị cáo buộc có dính líu.

Trong tháng 2, các thị trường mới nổi đón lượng vốn ròng chảy vào đạt 5,4 tỷ USD.

Cũng với quan điểm thận trọng, ông David Lubin, trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi của Citigroup cho rằng sự ham thích mới của giới đầu tư với tài sản tại các thị trường này có thể chỉ là tạm thời.

Theo ông Lubin, lượng vốn ròng chảy mạnh vào thị trường mới nổi trong tháng 3 xuất phát từ các yếu tố: kỳ vọng suy giảm đối với việc FED tăng lãi suất trong năm nay; dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc chững lại và đồng Nhân dân tệ ổn định hơn; giá dầu tăng trở lại; và giá tài sản đã xuống thấp tại các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, với quan điểm của Citigroup cho rằng FED vẫn sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm nay, và các dòng vốn tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc, ông Lubin tin rằng tâm lý của giới đầu tư đối với các thị trường mới nổi sớm muộn gì cũng lại xấu đi.