15:42 23/03/2023

Vốn ngoại lại “bẻ lái” VN-Index, cổ phiếu chứng khoán tăng rực rỡ

Kim Phong

Thanh khoản đã có cải thiện tốt trong phiên chiều nay, nhưng động lực quan trọng vẫn là dòng vốn ngoại. Thành thông lệ, quỹ Fubon tiếp tục giải ngân buổi chiều ở nhiều blue-chips, đẩy giá phục hồi và kéo VN-Index quay ngược lên trên tham chiếu cuối phiên. Riêng sàn HoSE, vốn ngoại mua chiều nay chiếm khoảng 21% thanh khoản...

VN-Index được kéo bật qua tham chiếu và đóng cửa ở mức cao nhất phiên.
VN-Index được kéo bật qua tham chiếu và đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Thanh khoản đã có cải thiện tốt trong phiên chiều nay, nhưng động lực quan trọng vẫn là dòng vốn ngoại. Thành thông lệ, quỹ Fubon tiếp tục giải ngân buổi chiều ở nhiều blue-chips, đẩy giá phục hồi và kéo VN-Index quay ngược lên trên tham chiếu cuối phiên. Riêng sàn HoSE, vốn ngoại mua chiều nay chiếm khoảng 21% thanh khoản.

Cụ thể, phiên chiều nhà đầu tư nước ngoài giải ngân thêm 899,3 tỷ đồng sàn này, trong khi bán ra 519,7 tỷ đồng. Sáng nay khối ngoại bán ròng khoảng 43 tỷ đồng, nhờ sự đảo ngược buổi chiều, vị thế tính chung cả ngày lại là +336,4 tỷ đồng ròng.

Các cổ phiếu được mua khá ấn tượng là VHM +89,5 tỷ, HPG +79,8 tỷ, VNM +67,9 tỷ, POW +30,5 tỷ, VCI +26,9 tỷ, KDC +26,2 tỷ, VIC +21,3 tỷ, SSI +31,8 tỷ. Phía bán ròng có VCB -46,6 tỷ, MSN -42,5 tỷ, PLX -35,3 tỷ, CTG -33,9 tỷ.

Tính riêng ở rổ VN30, hôm nay khối ngoại mua ròng xấp xỉ 213 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân trong rổ đạt 902 tỷ đồng, tức là trên 32% tổng giao dịch. Đây là lực mua quan trọng, đặc biệt khi dồn vào một phiên chiều giúp giá nhóm blue-chips cải thiện đáng kể. Thống kê cho thấy 26/30 mã trong nhóm VN30 có cải thiện giá chiều nay. Chỉ số đại diện rổ đóng cửa cũng tăng 0,33% trong khi cuối phiên sáng còn giảm 0,47%. Độ rộng cũng đảo ngược, với 17 mã tăng/8 mã giảm (phiên sáng có 6 mã tăng/21 mã giảm).

Các cổ phiếu blue-chips bị khối ngoại bán ròng nhiều chiều nay giá cũng vẫn tăng. VCB bị bán đáng kể nhất nhưng giá lên thêm gần 1,57% so với buổi sáng, chốt phiên trên tham chiếu 1,91%, đóng góp 2 điểm cho VN-Index. VCB được kéo khá tốt trong đợt ATC, giá từ 89.300 đồng nhảy lên 90.700 đồng, tức là tăng gần 1,57% trong một lần giao dịch. MSN, PLX, CTG cũng đều nhảy cao thêm vài bước giá ở đợt cuối.

Trong số mua ròng, VHM bay khá mạnh, từ 47.600 đồng lên 48.000 đồng, tăng 0,73% so với tham chiếu. HPG tăng 0,49%, VNM tăng 1,21%, VIC giật về tham chiếu... đều là các trụ có thay đổi giá tích cực ở đợt ATC và góp phần kéo chỉ số. Thời điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục VN-Index vẫn còn giảm 0,59 điểm, sau đợt ATC thành tăng 4,56 điểm và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán và một số mã ngân hàng tăng rất tốt.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và một số mã ngân hàng tăng rất tốt.

Nhìn chung chiều nay mặt bằng giá đã tốt hơn buổi sáng, không chỉ là việc các chỉ số đảo chiều thành công. HoSE ghi nhận 179 mã tăng/195 mã giảm, trong khi kết phiên sáng vẫn là 92 mã tăng/232 mã giảm. Cuối phiên sáng số mã tăng vượt 1% mới là 23, kết phiên là 67 mã. Sàn này có 17 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì duy nhất MSN giảm 1,89%, VIC tham chiếu, còn lại đều tăng.

Cổ phiếu chứng khoán giao dịch nổi bật ở nhóm blue-chips với SSI tăng 2,52% thanh khoản gần 352 tỷ đồng; VCI tăng 6,62% thanh khoản 341,3 tỷ đồng; VND tăng 2,36% thanh khoản 330,5 tỷ, lọt Top 5 mã giao dịch lớn nhất thị trường. Ngoài ra HCM cũng tăng 2,73% với giao dịch 138,3 tỷ đồng, lọt Top 10. Nhiều mã khác nhóm chứng khoán cũng tăng mạnh trên 2% như CTS, FTS, SHS, TCI, BSI, MBS, APS, IVS, VIG, HBS, SBS...

Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay tăng 87% so với phiên sáng, đạt 4.651 tỷ đồng. HoSE tăng giao dịch 94%, đạt 4.318 tỷ đồng. Dù vậy đây vẫn là mức giao dịch khá nhỏ, nhất là phiên sáng quá ít. Tính chung cả phiên, giá trị khớp lệnh HoSE và HNX vẫn giảm hơn 8% so với hôm qua, tiếp tục ở mức rất thấp dưới 8.000 tỷ đồng sang ngày thứ 3.

Trong bối cảnh thanh khoản rất nhỏ, thị trường giằng co khó đoán và bất kỳ lúc nào có lực mua hay bán mạnh hơn, hướng đi cũng thay đổi. Về mặt chỉ số thì các trụ dễ dàng tác động, nhưng độ rộng vẫn bộc lộ sự yếu ớt và bất ổn do cung cầu không đủ. Hiện tại các quỹ ngoại giao dịch yếu, chỉ còn Fubon ETF là đang mua đều đặn từng lô nhỏ hàng ngày.