Vốn ngoại rút ròng hơn 1.500 tỷ, vốn nội “cân tốt”
Thị trường chiều nay yếu hơn buổi sáng, nhưng đa phần cổ phiếu cũng chỉ điều chỉnh với biên độ hẹp. Tâm điểm là giao dịch của khối ngoại khi đợt bán dồn dập buổi sáng vẫn chưa kết thúc. Tính chung cả ngày, tới 1.554 tỷ đồng bị rút ròng khỏi sàn HoSE, là mức bán ròng trong phiên lớn nhất kể từ đầu năm...
Thị trường chiều nay yếu hơn buổi sáng, nhưng đa phần cổ phiếu cũng chỉ điều chỉnh với biên độ hẹp. Tâm điểm là giao dịch của khối ngoại khi đợt bán dồn dập buổi sáng vẫn chưa kết thúc. Tính chung cả ngày, tới 1.554 tỷ đồng bị rút ròng khỏi sàn HoSE, là mức bán ròng trong phiên lớn nhất kể từ đầu năm.
Từ đầu năm 2023, sàn HoSE chỉ có 3 phiên mức bán ròng trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng và hôm nay là phiên thứ 4. Tính về quy mô, mức bán ròng trên 1.500 tỷ đồng hôm nay cũng chỉ xếp sau phiên ngày 13/1/2023 với -3.110 tỷ đồng (trong đó thỏa thuận bán ròng 1.328 tỷ đồng với EIB).
Tính riêng chiều nay, khối ngoại rút ròng thêm 791,6 tỷ đồng nữa sau khi đã bán ròng 763 tỷ đồng trong phiên sáng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 hôm nay bị bán ròng tới gần 902 tỷ đồng. Tổng mức bán chiếm tới trên 27% tổng giá trị khớp của rổ.
Các cổ phiếu bị bán dữ dội là HPG -187,9 tỷ đồng ròng, VHM -172,4 tỷ, VCB -100,2 tỷ, VNM -91,7 tỷ, VND -83,4 tỷ, VPB -76,3 tỷ, DXG -76,3 tỷ, SSI -67,4 tỷ, MSN -38,5 tỷ, STB -35 tỷ, VCI -34,4 tỷ, SHB -32,6 tỷ, VIC -31,2 tỷ…
VN30-Index chốt phiên chiều giảm 0,61% so với tham chiếu, cũng không xấu đi bao nhiêu so với mức giảm 0,44% thời điểm chốt phiên sáng. Giá cổ phiếu blue-chips chỉ giảm thêm với biên độ nhỏ, cả rổ chiều nay có 18 mã tụt sâu hơn và 9 mã cải thiện, không có mã nào giảm thêm quá 1%. Trong bối cảnh khối ngoại xả dữ dội như vậy, giá cổ phiếu giữ được ổn định, dù vẫn đỏ nhiều, là một diễn biến không tệ.
VHM giảm mạnh nhất nhóm chiều nay khi giá tụt thêm 0,98% so với phiên sáng và đóng cửa dưới tham chiếu 1,94%. Mã này trở thành cổ phiếu lấy điểm nhiều nhất. STB cũng yếu đi khá nhiều, chiều nay giảm thêm 0,89% so với giá chốt buổi sáng và đóng cửa mất 1,42%. SAB tụt thêm 0,78%, chốt giảm 1,08% so với tham chiếu. Đó là 3 cổ phiếu yếu nhất rổ VN30 phiên chiều, những mã còn lại đều giảm thêm không đáng kể.
Khả năng trụ giá của nhóm trụ đang là điểm tựa tâm lý cho thị trường khi khối ngoại bán đột biến. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ VHM giảm 1,94%, VPB giảm 1,79%, VNM giảm 1,02% là đáng kể. GAS trụ được tham chiếu và FPT tăng ngược 1,28%. Toàn rổ VN30 có 22 mã giảm và 4 mã tăng, trong đó 7 mã giảm trên 1%, rất may không có các trụ lớn như VCB, VIC, BID, GAS, HPG…
Sức ép lớn của khối ngoại chiều nay cũng không khiến cổ phiếu xấu đi nhiều, độ rộng tại thời điểm đóng cửa không khác nhiều so với buổi sáng, 141 mã tăng/356 mã giảm. Tuy nhiên mặt bằng giá có thấp hơn, cụ thể, phiên sáng VN-Index có 65 mã giảm trên 1% thì chiều nay là 85 mã. Thêm nữa, sức ép bán ra ở vùng giá đỏ có đè giá nhóm thanh khoản hàng đầu: HoSE có 37 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ còn 8 mã tăng nhưng tới 25 mã giảm. EVF, LDG, HAG, PDR, NKG, PVT, HAH, DCM là các mã giảm trên 1% với thanh khoản lớn.
Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay chỉ tăng khoảng 11% so với phiên sáng, đạt 9.102 tỷ đồng. Nếu đặt trong bối cảnh khối ngoại xả cực lớn và lượng hàng ngắn hạn có lời về tài khoản, quy mô giao dịch như vậy là không nhiều. Đặc biệt nhóm VN30 chiều nay chỉ giao dịch 2.514 tỷ đồng.
Chưa rõ động thái bán đột biến cao của khối ngoại là gì, nhưng khả năng nâng đỡ giá của dòng vốn trong nước khá ấn tượng. Thực ra nếu không nhìn vào giao dịch của khối ngoại, biên độ điều chỉnh hôm nay là bình thường ở cả chỉ số lẫn giá cổ phiếu. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX phiên này đạt 17.355 tỷ đồng, nếu không tính phiên đột biến đầu tuần thì vẫn là cao nhất trong vòng 6 phiên. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang chảy vào thị trường với quy mô tốt hơn.